Tiếp tục gỡ khó, thúc đẩy xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn Công nghệ số đưa nông sản Lạng Sơn vươn ra 'biển lớn' Tỉnh Lạng Sơn: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tìm đầu ra cho nông sản |
Gia tăng giá trị sản phẩm nhờ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ
Na Chi Lăng là một trong những sản phẩm tiêu biểu của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Lạng Sơn. Để thúc đẩy xây dựng thương hiệu và tiêu thụ cho sản phẩm thế mạnh này, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm quảng bá cho quả na. Đồng thời, triển khai các giải pháp để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
![]() |
Na Chi Lăng là một trong những sản phẩm thế mạnh của Lạng Sơn (Ảnh: Vietnam Post) |
Nhờ các giải pháp này, giá trị của trái na Lạng Sơn đã từng bước nâng cao. Theo đại diện HTX Dịch vụ và Sản xuất Nông nghiệp Đồng Bành, đơn vị hiện có sản phẩm na Chi Lăng đạt chuẩn OCOP 4 sao, với những nỗ lực, cố gắng của các thành viên cùng với sự hướng dẫn, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, trong những năm gần đây, tổng thu nhập từ quả na của HTX lên tới trên 7,5 tỷ đồng/năm.
Trong thời gian tới, HTX vẫn sẽ cố gắng tiếp tục tạo ra sản phẩm na đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm, trên cơ sở quản lý và giám sát tốt các công đoạn từ chức sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để ngày càng nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm na Chi Lăng.
Na là một trong những sản phẩm thế mạnh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn được triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có nhiều sản phẩm, nông sản, đặc sản như: Na, hồng, quýt, lê, chanh rừng… Tuy nhiên vào vụ thu hoạch, có một số thời điểm cung vượt quá cầu khiến tiêu thụ khó khăn, giá nông sản bấp bênh. Do đó, thời gian qua, Sở Công Thương Lạng Sơn đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm này.
![]() |
Lạng Sơn có nhiều sản phẩm thế mạnh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Lạng Sơn) |
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy tiêu thụ nông sản có thế mạnh. Bên cạnh đó, hình thành và phát triển đa dạng các hình thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành các Đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xúc tiến và quảng bá sản phẩm, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh qua biên giới. Đồng thời, xây dựng mới các chuỗi liên kết sản xuất có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hỗ trợ vật tư, thiết bị, nâng cao thương hiệu sản phẩm thông qua hỗ trợ bao bì, tem nhãn sản phẩm, hỗ trợ hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Gia tăng giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Trong xu hướng phát triển, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã và đang linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử của tỉnh đến người tiêu dùng.
Theo đó, kinh tế số địa phương đã được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp, đặc biệt là kinh tế số nông nghiệp nông thôn. Sở Công Thương Lạng Sơn đã chỉ đạo triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp, xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp, tư vấn triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến trên thế giới, tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, marketing trực tuyến, ứng dụng hợp đồng điện tử, ký số, hóa đơn điện tử, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các nền tảng thương mại điện tử uy tín.
Sở Công Thương cũng duy trì, phát triển trang thông tin và thương mại điện tử Lạng Sơn tại địa chỉ www.langsontrade.vn, thường xuyên đăng tải, cập nhật tình hình kinh tế, xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh… Duy trì Trang thông tin điện tử “Nông sản Lạng Sơn”, góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối cung, cầu, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn…
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tổ chức các lớp và triển khai các đề án, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các kênh, đưa các sản phẩm địa phương lên sàn giao dịch điện tử.
Đặc biệt tại Hội chợ thương mại Quốc tế Việt – Trung cuối năm 2024, Sở Công Thương đã tổ chức diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thông qua các chương trình hỗ trợ, các diễn đàn đã góp phần cho các doanh nghiệp được quảng bá, đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch lớn toàn quốc. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân ở các địa phương mở rộng thị trường, tăng doanh thu, làm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tiếp tục thúc đẩy cải thiện và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Đến nay, Lạng Sơn có trên 20.980 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc; hàng nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số.
![]() |
Tiktoker Cô Thơ ơi (giữa) livestream bán sản phẩm nông sản địa phương (Ảnh: Thu Trang) |
Bà Đặng Thị Thơ (chủ tài khoản Tiktok Cô Thơ ơi - huyện Hữu Lũng) chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, tôi bắt đầu thực hiện livestream (chủ yếu trên nền tảng TikTok) để bán nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian chăm chỉ thực hiện 2 phiên livestream trên tài khoản Tiktok Cô Thơ ơi với hơn 93.000 người theo dõi, số lượng người theo dõi các phiên bán hàng không ngừng tăng cao. Trong đó có thời điểm tôi nhận được hơn 150 đơn hàng từ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh sau 1 phiên livestream.
Thời gian tới, Sở Công Thương Lạng Sơn xác định sẽ cùng các cơ quan liên quan như Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường... tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện kinh doanh trên sàn thương mại điện tử qua việc kiểm tra, giám sát trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội, trong đó có livestream bán hàng.
Ngoài ra hiện nay, một số sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội cũng đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và quản lý chặt chẽ về chất lượng đơn hàng dựa theo đánh giá của người mua hàng. Từ đó phát huy hiệu quả hình thức bán hàng qua livestream, tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sở Công Thương Lạng Sơn đề xuất thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống chợ tại các khu vực miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của bà con. |