Khai thác thế mạnh, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Thái Bình: Đứng đầu Đồng bằng sông Hồng, thứ 3 cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp |
Kiến nghị xây dựng khu công nghiệp 212 triệu USD
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 6703/BC – BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Thái Bình.
Dự án do Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore là nhà đầu tư; tổ chức kinh tế thực hiện dự án dự kiến là Công ty TNHH VSIP Thái Bình (VSIP).
Thái Bình đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp |
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư, khoản 7 Điều 32 Nghị định số 31/2021/NĐ- CP.
Cụ thể, tên Dự án là Khu công nghiệp VSIP Thái Bình với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Địa điểm thực hiện Dự án tại 2 xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án có quy mô sử dụng đất của là 333,4 ha, không bao gồm phần diện tích đê cửa sông Hữu Hóa, đê biển 8 (7,86 ha) và tuyến kênh hoàn trả (3,41 ha). Với tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án là 4.932,364 tỷ đồng (tương đương 211,872 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 739,855 tỷ đồng (tương đương 31,781 triệu USD).
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải: Việc thu hút dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Thái Bình tại huyện Thái Thụy là cần thiết, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; đánh giá VSIP là nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, đã thực hiện đầu tư nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; kỳ vọng dự án của VSIP sẽ tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án có tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất.
Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore.
Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đảm bảo vị trí, quy mô diện tích của Dự án phù hợp với chủ trương đầu tư Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của Nhà đầu tư về việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ- CP ngày 28/5/2022; kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện Dự án, việc nhà đầu tư góp đủ vốn theo cam kết và đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
“Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của Dự án vào phương án bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Thái Bình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Báo cáo số 6703/BC – BKHĐT nêu rõ.
Chủ trương dừng một số dự án không khả thi
Sáng 22/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Trong đó, thống nhất chủ trương chấm dứt thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ cuối cầu vượt sông Trà Lý đến đường Thái Bình - Hà Nam theo hình thức hợp đồng (BT) và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ quốc lộ 10 đến sông Trà Lý và cầu vượt sông Trà Lý, theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, đây là tuyến đường quan trọng đối với thành phố Thái Bình nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các quy định của pháp luật có sự thay đổi nên dự án không thể thực hiện được theo chủ trương trước đây.
Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao UBND Thái Bình khẩn trương nghiên cứu xây dựng phương án tiền khả thi về việc đầu tư tuyến đường mới đoạn từ thành phố Thái Bình đi Đồng Tu nối với đường Thái Bình - Hà Nam trên cơ sở chủ trương trước đây theo hình thức đầu tư công trong thời gian sớm nhất, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, rút ngắn chiều dài, thời gian di chuyển từ Thái Bình đến các tỉnh lân cận và Hà Nội.
Giao UBND Thái Bình chỉ đạo rà soát lại các thủ tục pháp lý, chi phí mà ngân sách nhà nước và nhà đầu tư đã đầu tư; cân đối nguồn để hoàn trả các chi phí hợp lý, hợp pháp; làm việc với nhà đầu tư để thống nhất các vấn đề, có cam kết rõ ràng giữa hai bên, tránh những tranh chấp về sau. Quản lý tốt diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, các khu đất trước đây dự kiến trả đối ứng để đưa vào phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.