Thời gian vừa qua, hàng loạt sai phạm tại các dự án của tập đoàn: Phúc Sơn, Thuận An hay trường hợp của FLC, Tân Hoàng Minh đã được phanh phui, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, Kiểm toán nhà nước phải có trách nhiệm trong việc không phát hiện ra sai phạm tại các doanh nghiệp. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thế Vinh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước để góp phần làm rõ hơn thực trạng, cũng như trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian qua, nhiều bất cập nổi cộm đã được Kiểm toán nhà nước phát hiện khi kiểm toán các doanh nghiệp, dự án đầu tư. Tuy nhiên, có những sai phạm đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra từ những năm trước nhưng vẫn tái phạm, hoặc tiếp tục xảy ra ở những đơn vị khác. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Trong 5 năm gần nhất (2019-2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 Báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị 331.367 tỷ đồng, gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng; kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 1 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác; 663 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Ông Đặng Thế Vinh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước |
Riêng trong kiểm toán lĩnh vực đầu tư, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, từ việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; công tác thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, quản lý tiến độ… Đối với doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, những bất cập chủ yếu được phát hiện gồm: Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước chưa đầy đủ do hạch toán sai doanh thu, chi phí; quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; quản lý nợ còn bất cập, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ...
Nhìn lại kết quả kiểm toán thời gian qua có thể thấy, những tồn tại trên đã xảy ra tại nhiều doanhnghiệp, thậm chí có doanh nghiệp đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra và yêu cầu khắc phục nhưng vẫn tái phạm. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ, theo quy định của pháp luật, Kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, trong đó có các doanh nghiệp (quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước). Thông qua các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước tư vấn hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị xử lý tài chính; kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các vi phạm, sai sót trong công tác quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước của các doanh nghiệp. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Kết quả kiểm toán đều được công khai hàng năm, trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị thuộc về các doanh nghiệp và các cá nhân, đơn vị có liên quan theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán nhà nước kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán. Việc tiếp tục xảy ra các sai phạm tại các doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Qua kiểm toán, trường hợp doanh nghiệp tiếp tục sai phạm thì Kiểm toán nhà nước tiếp tục kiến nghị các biện pháp xử lý tương xứng.
Thưa ông, liên quan đến các dự án mà lãnh đạo các tập đoàn đã bị khởi tố trong thời gian qua, Kiểm toán nhà nước có thực hiện kiểm toán hay không? Có ý kiến cho rằng, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trong việc không phát hiện ra sai phạm tại các doanh nghiệp này, vậy ý kiến của ông thế nào?
Qua rà soát hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước từ năm 2020 trở lại đây, Kiểm toán nhà nước có lựa chọn kiểm toán một số dự án đầu tư, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty CP Tập đoàn Thuận An thực hiện thi công một số gói thầu. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do Chủ đầu tư/ban quản lý dự án cung cấp cho Kiểm toán nhà nước tại thời điểm kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra một số tồn tại trong việc thực hiện dự án này và đã có kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị trách nhiệm tương ứng với các sai sót.
Gắn với trách nhiệm các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán có sai phạm, kiến nghị khởi tố thời gian qua cần phân loại 2 nhóm: Các hành vi sai phạm của Tân Hoàng Minh, FLC không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, việc kiểm toán các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này chủ yếu do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện.
Còn các sai phạm của Thuận An, Phúc Sơn liên quan đến các dự án đầu tư công, thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, nhưng không phải là đơn vị được kiểm toán theo Luật Kiểm toán nhà nước. Đơn vị được kiểm toán là các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Liên quan đến trách nhiệm trong kiểm toán dự án đầu tư, doanh nghiệp, cần phải thấy rõ, Kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị. Mục tiêu kiểm toán là xác nhận tính trung thực, hợp lý của Báo cáo tài chính, quyết toán; đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực dự án. Đơn vị được kiểm toán là các chủ đầu tư, ban quản lý, không kiểm toán nhà thầu. Hiện nay, Kiểm toán nhà nước đang thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ), không kiểm toán các doanh nghiệp tư nhân, không có vốn nhà nước đầu tư.
Kiểm toán nhà nước đưa ra các đánh giá, nhận xét, kiến nghị phù hợp với các bằng chứng mà Kiểm toán viên đã thu thập được từ đơn vị được kiểm toán |
Đối tượng và phạm vi kiểm toán của lĩnh vực đầu tư dự án là việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng: Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, công tác đấu thầu, quản lý tiến độ, giải ngân vốn đầu tư, chi phí đầu tư và công tác quyết toán dự án hoàn thành. Còn đối tượng và phạm vi kiểm toán của lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp là việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động đầu tư; việc thực hiện giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Phương pháp kiểm toán trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp, chịu trách nhiệm. Theo quy định tại điểm 3 Điều 57 Luật Kiểm toán nhà nước: “Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán: Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp”. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực tinh vi ẩn sau hoạt động đầu tư, hồ sơ dự án được hợp thức hóa, sai phạm hầu hết chỉ phát hiện được qua điều tra hình sự.
Trong phạm vi trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước theo chức năng, trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tương ứng với các sai sót, sai phạm được phát hiện qua kiểm toán, từ kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị chấn chỉnh, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách đến kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân có liên quan, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm.
Từ các nội dung trên cho thấy, trên cơ sở hồ sơ tài liệu do đơn vị được kiểm toán (chủ đầu tư/Ban quản lý dự án) cung cấp cho Kiểm toán nhà nước, căn cứ vào quy trình, chuẩn mực của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước đưa ra các đánh giá, nhận xét, kiến nghị phù hợp với các bằng chứng mà Kiểm toán viên đã thu thập được từ đơn vị được kiểm toán. Trong khi đó, các trường hợp sai phạm đều có sự cấu kết, thông đồng hết sức tinh vi giữa các cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan và nằm ngoài khả năng, phạm vi tiếp cận, phương pháp kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước không có chức năng điều tra (như cơ quan cảnh sát điều tra) nên các hành vi tham nhũng, tiêu cực tinh vi ẩn sau hoạt động đầu tư, hồ sơ dự án được hợp thức hóa, sai phạm chỉ phát hiện được qua hoạt động điều tra.
Kiểm toán nhà nước chưa phát hiện được các hành vi tội phạm tại các dự án kiểm toán như cơ quan cảnh sát điều tra đã phát hiện, khởi tố thời gian qua. Mặt khác, đến nay Kiểm toán nhà nước cũng không có thông tin nào về trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước liên quan đến các vụ việc.
Dù quy định và thực tế là như vậy, nhưng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là góp phần hạn chế những sai sót của các doanh nghiệp, dự án đầu tư trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước có những giải pháp gì, thưa ông?
Kiểm toán nhà nước là cơ quan có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hoạt động kiểm toán là hoạt động chuyên môn có sự khác biệt với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra khác.
Với đặc thù đó, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công...; trường hợp phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.
Còn các sai phạm được các đối tượng cố tình gian lận, cấu kết thông đồng hợp thức hồ sơ, tạo lập hồ sơ trái pháp luật đặc biệt là các sai phạm trong tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các dự án thì việc phát hiện các sai phạm qua kiểm toán là rất khó, chỉ có thể phát hiện được thông qua nghiệp vụ điều tra.
Tuy nhiên, qua những vụ việc trên, Kiểm toán nhà nước nhận thấy trách nhiệm của mình càng phải cao hơn nữa trong hoạt động kiểm toán. Vì vậy, Kiểm toán nhà nước đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vai trò của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Kiểm toán viên; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán, phương pháp kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp kiểm toán để phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong hoạt động kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thực hiện công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; cung cấp kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra. Xử lý nghiêm các trường hợp Kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!