Đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 21.346,33 tỷ đồng
Chiều 30/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội khóa XV nghe trình bày các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn |
Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.
Trong đó, về thu ngân sách nhà nước, ông Ngô Văn Tuấn nêu, quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902 tỷ đồng) so với dự toán giao, bằng 114,3% so với thực hiện năm 2021 (1.591.411 tỷ đồng); trong đó, thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 24% dự toán giao; thu dầu thô vượt 177% dự toán giao (do giá dầu tăng cao vượt 74,5% so với thời điểm lập dự toán và dự kiến sản lượng dầu của PVN thấp so với khả năng thực hiện).
Bên cạnh đa số các khoản thu vượt dự toán, còn một số khoản thu đạt thấp như: Thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước đạt 83,5% dự toán giao (nguyên nhân do số thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 12,83% dự toán giao).
Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán nhà nước phát hiện qua kiểm toán và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 3.841 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế. Cụ thể, trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất, chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định; còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định.
Khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất; chưa thu đầy đủ và tính chưa chính xác phí bảo vệ môi trường.
Về quản lý nợ thuế, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 tăng 36% so với 2021 (158.914,7/116.961,7 tỷ đồng). Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao.
Tại nhiều địa phương một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời đối với người nộp thuế; phân loại nợ chưa đúng quy định. Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đến 31/12/2022 tăng 3,8% so với năm 2021 (7.298,7/7.028 tỷ đồng); còn một số Cục Hải quan không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Hải quan giao; việc phân loại vào nợ khó thu đối với các khoản nợ đọng thuế chuyên thu tại thời điểm 31/12/2022 còn chưa phù hợp với trạng thái người nộp thuế tại Website: tracuunnt.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế; còn 206 người nộp thuế có thông tin phân loại nợ thuế chưa thống nhất trên tờ khai hải quan.
Việc khoanh, xóa theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết đến 30/6/2023: Khoanh nợ 704.614 người nộp thuế, số tiền 28.398,2 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 390.074 người nộp thuế, số tiền 8.773,4 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cho thấy, còn tình trạng khoanh, xóa chưa phù hợp với trạng thái tại website tracuunnt.gdt.gov.vn (cơ quan thuế và cơ quan hải quan); một số trường hợp người nộp thuế có ngày thay đổi thông tin gần nhất tại website tracuunnt.gdt.gov.vn sau ngày cơ quan hải quan ban hành quyết định khoanh nợ. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị cơ quan thuế, hải quan rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế để xử lý theo quy định.
31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng
Về chi ngân sách nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, quyết toán 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán (giảm 104.851 tỷ đồng).
Trong đó, chi đầu tư phát triển, quyết toán 615.640 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán giao. Qua kiểm toán cho thấy: Còn tình trạng 44 dự án nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ 1.418 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn hàng năm từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư để báo cáo Chính phủ theo quy định.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi còn lớn 4.445,534 tỷ đồng, qua kết quả kiểm toán còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là 3.268,346 tỷ đồng.
Số nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2022 còn lớn, trong đó còn nợ đọng xây dựng cơ bản trước ngày 01/01/2015 số tiền 2.163,74 tỷ đồng, năm 2022 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu qua mạng còn thấp (khoảng 2,34%), chỉ bằng ½ so với tỷ lệ tiết kiệm chung (4,72%).
Về chi thường xuyên, quyết toán 1.034.250 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán. Một số khoản chi sự nghiệp nguồn NSTW thực hiện thấp so với dự toán giao: Chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề đạt 56,9% dự toán (11.876 tỷ đồng), lĩnh vực y tế, dân số và gia đình đạt 43,1% dự toán (12.082 tỷ đồng), lĩnh vực văn hóa thông tin đạt 56,7% (1.416 tỷ đồng), lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt 64,5% (1.047 tỷ đồng).
Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước; có 5/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.
Một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi không đúng quy định; theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương không chính xác. 8/60 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại (Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm dự toán năm sau số tiền 82,99 tỷ đồng và kiến nghị Bộ Tài chính theo dõi, lưu ý khi thẩm định số tiền 2.881,51 tỷ đồng).
Đồng thời, một số đơn vị của các địa phương chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đúng quy định 3.200,372 tỷ đồng (Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm dự toán năm sau tại 23/60 địa phương 1.847,038 tỷ đồng, kiến nghị theo dõi nguồn 1.353,334 tỷ đồng đối với 26/60 địa phương).