Các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi của Yemen vào các tàu chở hàng đã ảnh hưởng đến sự ổn định của tuyến đường Biển Đỏ và giá cước vận tải container. Rủi ro an ninh của tuyến đường này đã truyền sang các tuyến khác, dẫn đến phản ứng dây chuyền, làm gián đoạn vận chuyển toàn cầu. Với việc Mỹ và phương Tây tấn công vào các mục tiêu của lực lượng Houthi và triển khai thêm lực lượng hải quân và không quân xung quanh Biển Đỏ, lực lượng Houthi cũng đang điều chỉnh chiến lược, khiến cho khủng hoảng Biển Đỏ diễn ra theo hướng lâu dài hơn.
Chi phí vận tải biển tăng vọt
Kênh đào Suez - Biển Đỏ là tuyến đường vận chuyển quan trọng kết nối châu Á và châu Âu, với gần 14% lượng thương mại đường biển của thế giới đi qua. Năm 2023, 22% container trên thế giới, 20% hãng vận tải ô tô, 15% tàu chở sản phẩm và 5% tàu chở hàng khô đã đi qua kênh đào này. Kể từ khi lực lượng Houthi tấn công vào các tàu chở hàng đi qua eo biển Bab el-Mandeb, phần lớn các công ty vận tải biển đã chọn tránh tuyến kênh đào Suez - Biển Đỏ.
Các cuộc tấn công của Houhti vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ đã gây gián đoạn một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới. Ảnh minh họa |
Tính đến cuối tháng 1/2024, đã có hơn 35 cuộc tấn công vào các tàu vận tải biển ở Biển Đỏ, chủ yếu là tàu chở container. Những gã khổng lồ vận tải biển toàn cầu như: Maersk, Hapag-Lloyd, Robinson Global, Hanxin Shipping, Hualun Wilson, Yang Ming Shipping và Evergreen Shipping đều đã thông báo ngừng tiếp nhận vận chuyển hàng hóa ở khu vực Biển Đỏ, đồng thời tăng số lượng tàu đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở châu Phi.
Hơn 90% lượng vận tải thương mại toàn cầu là bằng đường biển và việc tắc nghẽn vận chuyển trực tiếp dẫn đến sự mất cân bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra phản ứng dây chuyền. Đối với thị trường vận chuyển container, đường vòng tránh qua Mũi Hảo Vọng sẽ làm tăng thêm 1 triệu đến 2 triệu USD chi phí nhiên liệu cho mỗi tàu, cũng như chi phí cho thời gian trên 10 ngày, khiến thời gian đến dự tính không thể đoán trước và lịch trình tàu cảng bị trì hoãn. Trong trường hợp một số lượng lớn tàu chở hàng cùng đi đường vòng cũng làm trầm trọng thêm hiện tượng tắc nghẽn cảng, dẫn đến gia tăng các container quá cảnh, làm chậm quá trình quay trở lại của các container rỗng, điều này càng gây ra tình trạng thiếu container.
Lấy mức tiêu chuẩn trung tuần tháng 12/2023, số lượng tàu container đi qua vùng Biển Đỏ đã giảm hơn 70%. Ước tính thời gian vận chuyển từ Đông Á đến châu Âu và từ Đông Á đến Địa Trung Hải đã tăng lần lượt 26% và 51% và thời gian vận chuyển ngũ cốc và than đá từ Biển Đen đến Đông Á và từ Bờ Đông của Mỹ đến Đông Á đã tăng lần lượt từ 52% đến 77%.
Theo Nikkei, khoảng 47% việc vận chuyển đồ chơi và 40% đồ gia dụng và quần áo trên tuyến Đông Á-châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi giá cước vận tải tăng và thời gian bị kéo dài. Về nguyên liệu công nghiệp, 24% hóa chất, 22% thép tấm ô tô, 22% dây và pin cách điện bị ảnh hưởng, một số nguyên liệu thô khó giao hàng, các nhà máy sản xuất phụ tùng của các công ty lớn ở một số nơi như Tesla và Volvo ở Bỉ đã buộc phải tạm ngừng sản xuất. Theo cảng Barcelona của Tây Ban Nha, giao thông hàng hải đã có sự chậm trễ từ 10-15 ngày.
Ngoài ra, do sự chồng chất của chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí thời gian và rủi ro an toàn, giá cước vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng. Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch vận tải biển Thượng Hải, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, chỉ số vận tải xuất khẩu container Thượng Hải đã tăng trong 9 tuần liên tiếp, giá cước vận tải trên tuyến Đông Á-châu Âu đã tăng hơn 350% so với cùng kỳ năm trước; thương mại Đông Á-Địa Trung Hải tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát ở phương Tây
Tác động của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đối với thương mại các mặt hàng chủ chốt như dầu khí, lương thực hiện vẫn còn tương đối hạn chế, nhưng những thay đổi tiếp theo rất đáng quan tâm. Trong lĩnh vực dầu khí, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tuyến đường Biển Đỏ và các đường ống dọc theo nó vận chuyển 12% tổng thương mại dầu vận chuyển bằng đường biển và 8% tổng thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới trong nửa đầu năm 2023, với khoảng 7 triệu thùng/ngày đi qua Kênh đào Suez đến eo biển Bab el-Mandeb.
Phương Tây lo ngại việc Houthi nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu sẽ có tác động đến các chuyến hàng dầu và gây ra lạm phát ở phương Tây. Thậm chí Tổng thống Biden cũng công khai giải thích lý do cho quyết định phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào Houthi, là yếu tố lạm phát được xem xét hàng đầu.
Theo giới chuyên gia, rủi ro về phí bảo hiểm từ cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đối với thị trường dầu mỏ thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng bởi các yếu tố như xuất khẩu dầu của Mỹ tiếp tục tăng, nhu cầu toàn cầu chậm lại và việc tiếp tục nới lỏng các lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ đối với Iran.
Trong lĩnh vực lương thực, nguồn cung lúa mì toàn cầu tổng thể vào năm 2024 là đủ và tác động của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đối với giá lương thực hiện nay tương đối hạn chế, nhưng giá cước vận chuyển có thể tăng do kéo dài thời gian vận chuyển lúa mì và việc tăng chi phí vận chuyển sẽ làm trầm trọng thêm áp lực nhập khẩu của các quốc gia không đảm bảo an ninh lương thực ở các khu vực như Đông Phi, Trung Đông, châu Á.