Vì sao măng tươi được đánh giá là thực phẩm bổ dưỡng với người bệnh tiểu đường? Tính di truyền của bệnh tiểu đường có thể lên đến 75% |
Vì sao khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường?
Theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thùy Dung - khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: Người bệnh tiểu đường phải chọn thực phẩm phù hợp để kiểm soát đường huyết, tính toán số gam và lượng calo đưa vào cơ thể mỗi ngày. Một trong những đặc điểm cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm là chỉ số đường huyết của thực phẩm đó.
Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ số đánh giá tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn vào của những thực phẩm có chứa carbohydrate so với glucose. Chỉ số đường huyết được phân thành 3 mức độ: Thấp (GI: 1-55), trung bình (GI: 56-69), cao (GI: >=70). Những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) từ 70 trở lên được gọi là cao và người bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn.
Khoai lang tím được khuyến cáo là thực phẩm người bệnh tiểu đường nên lựa chọn |
Trong đó, khoai lang có chỉ số đường huyết GI ở mức thấp khoảng 50. Khoai lang còn được coi là thực phẩm cung cấp nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, trong đó chủ yếu là glucid và chất xơ. Ngoài ra còn rất giàu carbohydrat và nhóm dưỡng chất chống oxy hóa tự nhiên carotenoid giúp ổn định lượng đường huyết và insulin.
Bên cạnh đó, khoai lang là thực phẩm chứa ít tinh bột nhưng chứa nhiều chất xơ và nước, giúp hệ tiêu hóa hấp thụ chậm chất dinh dưỡng, lượng đường trong máu được sản xuất ổn định và insulin được sản sinh ở mức bình thường, rất tốt trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường
Trong một số giống khoai lang màu tím hoặc màu cam, lượng chất chống oxy hóa dồi dào hơn có tác dụng bảo vệ tế bào cơ thể chống lại gốc tự do gây hại. Do đó, sử dụng khoai lang thường xuyên còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư, bệnh tim mạch và lão hóa, tăng cường sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường cần chú ý liều lượng khi ăn
Tuy vậy, để đạt được lợi ích tốt nhất, người bệnh cần ăn chừng mực, kiểm soát lượng tiêu thụ mỗi bữa. Cụ thể, chỉ nên ăn khoảng nửa củ khoai lang có kích cỡ trung bình mỗi bữa, tương đương với khoảng 15g tinh bột. Chế biến khoai lang bằng cách luộc, hấp là phương pháp được các chuyên gia khuyến khích, nên hạn chế nướng hay chiên xào.
Theo tính toán của giới chuyên môn, chỉ số đường huyết của khoai lang luộc hoặc hấp chỉ còn khoảng 44. Khoai lang chiên có chỉ số đường huyết 75. Khoai lang nướng có chỉ số đường huyết 82. Cách luộc khoai cũng ảnh hưởng đến lượng đường huyết khi đưa vào cơ thể. Người bệnh cần luộc khoai lang càng lâu càng tốt. Luộc khoai trong 30 phút có giá trị GI thấp khoảng 46, nhưng luộc trong 8 phút thì GI trung bình lên tới 61.
Thời điểm sử dụng khoai lang tốt nhất vào bữa sáng, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hiệu quả. Với các bữa trưa, tối, sử dụng ít khoai lang hơn và nên thay thế bằng những thực phẩm khác để bổ sung chất đạm, vitamin góp phần nâng cao sức khỏe.
Khi ăn khoai lang, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm chứa tinh bột khác để tránh hấp thu cùng lúc quá nhiều tinh bột làm tăng đường huyết nhanh. Ngoài ra, cần kết hợp ăn thêm rau xanh để làm chậm quá trình hấp thu và chuyển hóa thành đường.
Ngoài ra cũng cần lựa chọn loại khoai lang phù hợp: Thực tế khoai lang có nhiều giống và mỗi giống lại có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau, thông thường có 3 loại khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường có thể sử dụng trong bữa ăn, đó là: Khoai lang cam, loại khoai lang này có hàm lượng chất xơ trong khoai lang cam khá cao, chỉ số đường huyết GI thấp nên là lựa chọn tốt dành cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Khoai lang tím được khuyến cáo là lựa chọn rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Chỉ số đường huyết GI của khoai lang tím rất thấp nên an toàn với bệnh nhân tiểu đường mà vẫn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Ngoài ra, trong khoai lang tím còn chứa chất anthocyanins - một hợp chất có khả năng ngăn ngừa nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường type 2.
Khoai lang trắng Nhật Bản, đây là dòng khoai phổ biến tại Việt Nam, có chỉ số GI thấp nhưng cung cấp một nguồn carbohydrate tốt, giúp kiểm soát đường huyết và cung cấp năng lượng cho cơ thể một cách ổn định.