Bảo đảm đúng đối tượng, mục tiêu phân bổ vốn
Về dự kiến kế hoạch đầu tư công cho danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Phiên họp bất thường tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV |
Chính phủ đã rà soát lại danh mục dự án sử dụng vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách kỹ lưỡng và tích cực, có trọng tâm, trọng điểm và khả thi hơn.
Trong đó, về nguyên tắc và tiêu chí phân bổ vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra trên nguyên tắc bảo đảm đúng đối tượng, mục tiêu, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bảo đảm khả năng hấp thụ vốn, tính công khai, minh bạch, hài hòa giữa các lĩnh vực, các vùng miền.
Về danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ và dự án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành, đồng thời có thêm một số ý kiến về đề xuất của Chính phủ đối với danh mục và dự kiến phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm chi tiết về từng nhiệm vụ, dự án khi quyết định phân bổ theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 29/2021/QH15 và các quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể như sau: Cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đối với 94 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình. Đề nghị Chính phủ tiếp thu, giải trình đối với một số nhiệm vụ, dự án cụ thể đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra và ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, cập nhật các trường hợp đủ điều kiện phân bổ ngay trong đợt này.
Đối với 169 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, đang trong quá trình hoàn thiện, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Sau khi các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện để giao vốn, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Đối với 932 tỷ đồng còn lại của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, đề nghị tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các đề xuất của các Bộ, ngành, các địa phương có liên quan để bố trí vốn theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Tập trung thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Về điều chỉnh, bổ sung vốn chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, bao gồm cả việc bố trí vốn điều hòa của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 29/2021/QH15.
Trong đó: Thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 là 3.350,151 tỷ đồng để bổ toán cho các nhiệm vụ, dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.
Đồng thời, nhất trí bổ sung 14.847,446 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho 253 nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bổ sung 18.584,907 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bổ sung 4.723 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho 01 dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương. Không bổ sung dự toán cho 03 dự án được bố trí vốn kéo dài đến năm 2026-2027 với số vốn dự kiến là 1.050 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh văn bản Nghị quyết, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tiếp tục rà soát từ nay đến cuối năm, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu và bảo đảm khả năng giải ngân vốn, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định để có thể tiếp tục triển khai vốn điều hòa, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc phân bổ, giao vốn đối với các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 2025, bảo đảm theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện danh mục, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ chịu trách nhiệm về các thông tin số liệu, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Về số lượng dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất để Chính phủ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong Báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2023.