IMF lạc quan về kinh tế thế giới
Theo đó, bà Georgieva đưa ra nhận định, dựa trên thực tế nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức chống chịu hiệu quả trước các bất ổn do xung đột và đang trong quá trình phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, quan chức IMF bày tỏ lo ngại cuộc xung đột Israel-Hamas tiếp tục leo thang và gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng, ảnh hưởng tới kinh tế.
“Thời điểm bất ổn hiện nay đang đặt ra thêm nhiều thách thức cho các nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những cú sốc trước đó”, bà Georgieva nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva |
Theo kế hoạch, vào ngày 12/2, IMF sẽ công bố một văn kiện, trong đó chỉ ra việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp năng lượng có thể giúp tiết kiệm được 336 tỷ USD tại các nước Trung Đông, tương đương với quy mô nền kinh tế của Iraq và Libya cộng lại. Ngoài ra, việc loại bỏ các khoản trợ cấp năng lượng có thể giúp tạo thêm nguồn tiền cho chi tiêu xã hội.
Căng thẳng Biển Đỏ chưa tác động nhiều đến toàn cầu
Tổng Giám đốc IMF cho rằng, gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ gây áp lực lên giá cả, nhưng chưa khiến các chuyên gia phải tăng dự báo lạm phát.
“Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã có tác động đáng kể đến giá bảo hiểm và vận chuyển, nhưng cho đến nay vẫn chưa ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, bà Georgieva chia sẻ.
Theo bà Georgieva, khủng hoàng ở Biển Đỏ gây thêm áp lực lên giá cả, nhưng chưa đến mức IMF phải tăng dự báo lạm phát trên toàn cầu. Các tác động là có, nhưng chưa đủ để làm ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, theo bà Georgieva, tác động của việc giảm lưu lượng giao thông này mang tính “cục bộ” hơn. Cụ thể, nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Ai Cập, quốc gia phụ thuộc vào doanh thu từ giao thông đường thủy và hiện đang lỗ khoảng 100 triệu USD/tháng.
“Những bất ngờ như cuộc khủng hoảng vận tải Biển Đỏ khiến triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế thế giới trở nên ảm đạm”, Tổng Giám đốc IMF cảnh báo.
Theo quan chức IMF, các cơ quan tài chính trên toàn thế giới nên xây dựng các “bước đệm” để chống chọi với khủng hoảng. Trong số những “bước đệm” đó, bà liệt kê các chiến lược cải tiến doanh thu, thói quen chi tiêu tốt hơn và ưu tiên đầu tư vào năng suất cũng như tăng trưởng trong tương lai.