Thông tin từ Bộ Ngoại giao vào chiều tối ngày 11/1/2024 cho biết, nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, từ ngày 16 - 23/1/2024 tới đây, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, đồng thời thăm chính thức Hungary và Romania.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ; đồng thời thăm chính thức Hungary và Romania. Ảnh TTXVN |
Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên năm 2024 (WEF 2024) sẽ diễn ra từ ngày 15 - 19/1/2024, tại thị trấn nghỉ mát Davos nổi tiếng của Thụy Sỹ. WEF năm nay dự kiến sẽ hội tụ nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới tới đối thoại và họp bàn hợp tác, nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm tăng trưởng kinh tế, hành động về khí hậu và thiên nhiên, an ninh năng lượng, quản trị công nghệ và phát triển con người.
Theo công bố, Hội nghị WEF Davos 2024 đã nhận được khẳng định tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó gồm 70 nhà Lãnh đạo quốc gia, 250 Bộ trưởng, 2.500 lãnh đạo các tập đoàn, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, học giả uy tín.
Trong số những nhân vật nổi tiếng tham gia, có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva; Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới Ajay S. Banga; Người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
WEF Davos 2024 chính thức chọn chủ đề Rebuilding Trust - “Tái thiết lòng tin” sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề, gồm: Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; và Trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
Trong đó, một số chủ đề thảo luận "nóng" được cho là sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt, bao gồm: An ninh và hợp tác trong một thế giới rạn nứt; Tạo tăng trưởng và việc làm cho kỷ nguyên mới; Trí tuệ nhân tạo là động lực cho nền kinh tế và xã hội; Chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.
Hiện nay, WEF có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các đối tác thành viên của WEF phải nộp phí thành viên trong khoảng 60.000 Franc đến 600.000 Franc Thụy Sỹ, tùy theo cấp độ khác nhau.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.