Họp Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ Chương trình JEPT
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long 29/07/2024 15:55
Vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì cuộc họp triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT).
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các Cục, Vụ chức năng: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí và Than, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Viện Năng lượng và lãnh đạo Trường Đại học Điện lực...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì cuộc họp triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT) |
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chủ trì cuộc họp |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) sẽ hỗ trợ không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia đang phát triển khác hướng đến thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
“Đây là cam kết đầy dũng cảm và đầy hoài bão của Việt Nam bởi là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, cấm vận và mới chỉ có gần 40 năm phục hồi, xây dựng và phát triển kinh tế” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thông tin và khẳng định, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, rất cần sự hỗ trợ của JEPT cũng như những tổ chức khác trên thế giới.
Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình JEPT trong lĩnh vực năng lượng, do vậy, tại buổi làm việc hôm nay, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi 5 vấn đề trọng tâm, ưu tiên.
Thứ nhất là ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bởi đây là mục tiêu quan trọng để hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050; Thứ hai là hướng tới phát triển nhanh hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) hỗ trợ cho năng lượng tái tạo; Thứ ba là hỗ trợ thành lập hai Trung tâm năng lượng tái tạo; Thứ tư là phát triển lưới điện thông minh và các hệ thống tích hợp; Thứ năm là trao đổi về dự án nâng cao năng lực.
JETP cần nhanh chóng được thực thi bằng những hành động cụ thể với cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, do vậy, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đưa ra các giải pháp, kế hoạch thiết thực để giúp Việt Nam triển khai thành công JEPT.
Các đại biểu đối tác của JEPT phát biểu, chia sẻ tại cuộc họp |
Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh, triển vọng của điện gió ngoài khơi Việt Nam là rất lớn và đã đến lúc chúng ta bắt tay vào thực hiện JEPT.
“Chúng tôi có quan hệ hợp tác với Việt Nam trên 10 năm, trong đó, chủ đề hợp tác về điện gió ngoài khơi là một trong những lĩnh vực được phía Đan Mạch quan tâm đặc biệt và Đan Mạch có kinh nghiệm 25 năm trong phát triển lĩnh vực này, và sẵn sàng hợp tác , hỗ trợ Việt Nam cùng phát triển và chúng ta có thể bắt đầu đưa vào thí điểm những dự án điện gió ngoài khơi quy mô nhỏ và nâng dần công suất lên trong tương lai...” - đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ.
Cùng đó, đại diện đến từ Anh quốc và các đối tác khác của JEPT cũng chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thành lập hai Trung tâm năng lượng tái tạo, dự án nâng cao năng lực...
Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ cử đầu mối làm việc với các đối tác, thông qua đó sẽ tìm ra những sáng kiến hợp tác, thúc đẩy điện gió ngoài khơi tại Việt Nam phát triển.
Liên quan đến việc thành lập Trung tâm năng lượng, Bộ Công Thương sẽ giao cho Đại học Điện lực tại Việt Nam triển khai. Đây là Đại học hàng đầu tại Việt Nam tập trung vào hệ thống điện, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực ngành điện, kỹ sư, kỹ thuật viên... do vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp triển khai nhiệm vụ này. Thời gian qua, các nước châu Âu cũng đã đầu tư mạnh vào các trường đại học, đại học tại Việt Nam để phát triển các ngành năng lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng, đây là thời điểm cần đưa ra kế hoạch cụ thể về những công việc sẽ cùng nhau triển khai. Trong đó, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương sẽ có những hướng dẫn cụ thể đối với các đối tác trong quá trình chuyển đổi năng lượng, từ khâu khảo sát, đánh giá, chuẩn bị dự án cụ thể cũng như sự sẵn sàng về mặt công nghệ, tài chính, phương thức quản lý… để phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh…) hoặc chuyển đổi các nhà máy điện than sang sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch hơn…
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian rộng lớn dành cho năng lượng tái tạo. Các công việc cần tiếp tục thực hiện là khảo sát, đánh giá của các khu vực có tiềm năng về năng lượng tái tạo trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phương án bảo đảm sự ổn định của hệ thống năng lượng với sự gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng lưới truyền tải điện thông minh…
Vừa qua, Việt Nam đã lựa chọn những doanh nghiệp hàng đầu để khảo sát, chuẩn bị các bước triển khai thí điểm một dự án điện gió ngoài khơi. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư, tài chính, công nghệ, bảo đảm nguồn nhân lực cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp... Việt Nam sẵn sàng, cam kết cùng các đối tác để triển khai thành công Chương trình này và sớm hoàn thành mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo đó, thành lập các Nhóm công tác để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập, chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Ngày 2/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng hỗ trợ triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Nhiệm vụ của Nhóm Công nghệ và Năng lượng là rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; Xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. |