Trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương Việt Nam - Úc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VACPP) giai đoạn 2022-2023, sáng 12/7, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc tổ chức Hội thảo “Trao đổi về vấn đề hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến.
Sửa luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn
Phát biểu khai mạc hội thảo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong hơn 10 năm thực thi vừa qua, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu khai mạc hội thảo |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Cùng với đó, nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Luật Dân sự 2015, Luật tố tụng dân sự 2015, Luật An ninh mạng 2018…
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài....
“Trước thực tiễn trên, được chỉ đạo từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới” - ông Trịnh Anh Tuấn cho biết.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến |
Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Chính phủ xem xét để chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 10/2022.
“Hội thảo hôm nay nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên, đặc biệt là kinh nghiệm quốc tế của Úc đối với một số nội dung đang được quy định trong Dự thảo Luật. Các nội dung trao đổi trong khuôn khổ Chương trình sẽ là thông tin hữu ích, liên quan trực tiếp tới các vấn đề trong Dự thảo. Từ đó, giúp cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thông tin để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình các cấp có thẩm quyền” - ông Trịnh Anh Tuấn nói.
Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam
Đánh giá cao về nỗ lực cải cách luật của Cục Cạnh trạnh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng như thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam từ năm 2010 đến nay, bà Dominique Ogilvie, Giám đốc Chương trình hợp tác bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc-NewZealand cho biết: Khi đề xuất cải cách Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là cơ hội để Việt Nam có những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng toàn diện hơn, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh tế số, các giao dịch trên môi trường mạng ngày càng phổ biến.
Bà Dominique Ogilvie, Giám đốc Chương trình hợp tác bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc-NewZealand phát biểu tại hội thảo |
Bà Dominique Ogilvie cho biết: Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã hợp tác cùng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong nhiều năm vừa qua. Hai cơ quan đã có kinh nghiệp hợp tác về Luật Cạnh tranh trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-NewZealand (AANZFTA); và hiện tại hai bên đang thực hiện chương trình hợp tác song phương với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong khuôn khổ của thực hiện sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng, hoàn thiện, cũng như thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Từ đó, giúp bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương tại Việt Nam, đồng thời tăng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo người tiêu dùng Việt Nam được cung cấp thông tin, được trao quyền, được đối xử bình đẳng” - bà Dominique Ogilvie nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ ACCC chia sẻ kinh nghiệm của Úc và một số quốc gia trên thế giới về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù và vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung.
Phiên thảo luận nhằm hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Cụ thể, theo ông Guy Launder, chuyên gia ACCC, Luật Úc không đề cập đến thuật ngữ “giao dịch đặc thù” nhưng thuật ngữ này có thể liên quan đến một loạt các hành vi tiềm năng theo Đạo luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng 2010 như: Thương mại điện tử và các dịch vụ trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, chuyên gia của ACCC cũng cho biết, Luật Úc không đề cập về điều khoản nào phải được bao gồm trong hợp đồng - không giống như điều 23 của Luật Việt Nam. Luật pháp Úc quy định trách nhiệm đối với doanh nghiệp để đảm bảo rằng hợp đồng của họ tuân thủ pháp luật. Đồng thời luật đưa ra một số hướng dẫn về những gì có thể là không công bằng.
Theo các chuyên gia, nỗ lực để hiện đại hóa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam là rất ấn tượng. Khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi Việt Nam sẽ có những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường kinh tế số. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về thực tiễn tiến hành các giao dịch trên môi trường mạng cho người dân.