Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tin hoạt động 08/07/2022 16:44
Chương trình giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" tại Bộ Công Thương nằm trong chương trình giám sát năm 2022 của Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường - Quốc hội. Tham gia Đoàn giám sát có ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, Phó trưởng Đoàn; đại diện các Uỷ ban: Kinh tế, Tư Pháp, Thường vụ, cùng các đại biểu Quốc hội chuyên trách…
Làm việc với đoàn, về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh; lãnh đạo các Cục, Vụ: Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Pháp chế, Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường,…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc |
Những năm qua, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả nổi bật: Bộ đã xây dựng và thực thi hiệu quả hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, hình thành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và hệ thống các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.
Đặc biệt, nhận thức của xã hội đối với sự quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội dần được nâng cao. Bộ Công Thương cũng ban hành và thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy lồng ghép bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Trong giai đoạn 2011 - 2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và giám sát tổng số 171 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật liên quan đến hàng trăm triệu sản phẩm ô tô, xe máy, máy tính, điện thoại, pin, quạt, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em…
Số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2014-2020. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%.
Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương |
Bên cạnh đó, để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến, các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: Tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2021 đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 như Kit test Covid-19, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2022, tuy nhiên công tác này cũng còn một số bất cập, hạn chế: Một số quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, chưa điều chỉnh kịp sự thay đổi của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật có liên quan, dẫn tới khó theo dõi, thực hiện không thống nhất.
Bên cạnh đó, hiện nguồn lực triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác triển khai chính sách, pháp luật chưa tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, chưa có các giải pháp mang tính đổi mới đột phá; một số địa phương, một số bộ ngành còn chưa quan tâm tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã thực hiện xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đang được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.