Hoàn thiện Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác
Dự kiến, dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Ban soạn thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, ông Phùng Quốc Chí – Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và bổ sung các đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác, liên đoàn Hợp tác xã nhằm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất cho các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác.
Theo đó, mục tiêu cao nhất của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút và phát triển thành viên; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh, giúp nâng cao vị thế của các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên.
Ông Phùng Quốc Chí cho rằng, việc đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định về quyền sở hữu tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây cũng là ý kiến của đa số các cơ quan liên quan và Bộ Tư pháp về tên của dự án Luật.
Ngoài ra, việc đổi tên cũng giúp thống nhất nhận thức về sự phát triển đa dạng các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác kiểu mới, xóa bỏ tâm lý e ngại đối với mô hình Hợp tác xã kiểu cũ, tạo sức hút cho người dân tham gia, đồng thời giúp tạo động lực mới phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, phù hợp với xu hướng hội nhập ngày càng sâu, rộng của các tổ chức kinh tế hợp tác vào nền kinh tế thị trường.
Về nội dung, ông Phùng Quốc Chí cho biết, sẽ sửa đổi trên cơ sở tạo hành lang pháp lý thông thoáng tối đa cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động như: Bỏ phương án sản xuất, kinh doanh khi đăng ký thành lập; giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, từ 7 xuống 5 thành viên đối với Hợp tác xã , từ 4 xuống 3 thành viên đối với liên hiệp Hợp tác xã ; tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài do tổ chức kinh tế hợp tác tự quyết định; bỏ các quy định về Hội đồng giải thể và đăng báo địa phương, dùng công nghệ thông tin trong quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và của chính các tổ chức kinh tế hợp tác để tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký, gia nhập thị trường, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác.