Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác: Động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển |
Dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Để hiểu rõ nội dung của dự án luật này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - đơn vị soạn thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Xin ông giới thiệu rõ hơn về Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến chuyên gia và các bộ, ngành, địa phương? Mục tiêu cao nhất mà bộ Luật này hướng tới là gì, thưa ông?
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cụ thể hóa 5 nhóm chính sách pháp luật trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua và khắc phục những hạn chế đã chỉ ra trong quá trình tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Trong thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật, đồng thời có sự tham gia rất tích cực, tâm huyết và trách nhiệm của nhiều nhà khoa học, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ theo quy định.
Theo kế hoạch, Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Như vậy, chúng ta vẫn còn khoảng gần 1 năm để tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương, các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và người dân, hoàn thiện dự án Luật.
Mục tiêu cao nhất của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút và phát triển thành viên; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất hợp tác xã, phục vụ lợi ích của thành viên và cộng đồng, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh, giúp nâng cao vị thế của các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được sửa đổi dựa trên cơ sở của Luật Hợp tác xã năm 2012. Vậy việc đổi tên Luật có cần thiết không và nó mang lại ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và bổ sung các đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã nhằm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất cho các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác.
Về nguyên tắc, tên Luật phải bao quát và phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật, do vậy, việc đổi tên Luật là cần thiết (đây cũng là ý kiến của đa số các cơ quan liên quan và Bộ Tư pháp về tên của dự án Luật).
Việc đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định về quyền sở hữu tại Bộ luật Dân sự năm 2015; đồng thời, nhấn mạnh tính “hợp tác” giữa các thành viên, thống nhất với thuật ngữ quốc tế về.
Ngoài ra, việc đổi tên Luật giúp thống nhất nhận thức về sự phát triển đa dạng các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác kiểu mới, xóa bỏ tâm lý e ngại đối với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tạo sức hút cho người dân tham gia, đồng thời giúp tạo động lực mới cho sự phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, phù hợp với xu hướng hội nhập ngày càng sâu, rộng của các tổ chức kinh tế hợp tác vào nền kinh tế thị trường.
Dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 |
Một trong những rào cản được nêu ra sau 10 năm thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012 là việc hợp tác xã gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường rất khó khăn. Vậy với Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác đang soạn thảo, chúng ta sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Theo kết quả Tổng kết 10 thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 cho thấy, việc thành lập hợp tác xã ở nhiều nơi còn khó khăn vì những lý do như: Theo quy định hợp tác xã phải nộp phương án sản xuất kinh doanh khi đăng ký, nhưng Nhà nước không can thiệp vào việc sản xuất kinh doanh của hợp tác xã vì hợp tác xã hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, đa số các hợp tác xã thực hiện một cách đối phó, làm mất thêm chi phí, lãng phí thời gian khi thành lập.
Cùng với đó, một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa không có nhiều hợp tác xã hoạt động hoặc vùng dân tộc thiểu số ít người, việc quy định số lượng thành viên tối thiểu thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiện nay đang cao gây khó khăn cho việc thành lập.
Ngoài ra, Nhà nước giới hạn tỷ lệ mà hợp tác xã được phép cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên của hợp tác xã đã kìm hãm hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường của các hợp tác xã…
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác dự kiến sẽ sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế này, tạo hành lang pháp lý thông thoáng tối đa cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động như: Bỏ phương án sản xuất kinh doanh khi đăng ký thành lập; giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, từ 7 xuống 5 thành viên đối với hợp tác xã, từ 4 xuống 3 thành viên đối với liên hiệp hợp tác xã; tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài do tổ chức kinh tế hợp tác tự quyết định; tăng cường và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và của chính các tổ chức kinh tế hợp tác để tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký, gia nhập thị trường, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác…
Mặc dù Dự thảo 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được dư luận quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao với nhiều nội dung mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, với phạm vi điều chỉnh, tác động đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, để giải quyết triệt để tất cả các vấn đề đặt ra là một thách thức lớn đối với cơ quan soạn thảo. Hiện nay, một số nội dung của dự thảo vẫn còn ý kiến khác nhau, trong thời gian gần 1 năm, từ nay cho đến tháng 5/2023, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, giải đáp thỏa đáng các ý kiến góp ý để xây dựng Dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác đáp ứng mong muốn của phần lớn các tổ chức kinh tế hợp tác, người dân và xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!