Hiệu quả từ công tác kết nối
Những ngày đầu tháng 6/2023, Tuần lễ Mận và nông sản Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023 được tổ chức tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (Hà Nội). Nhiều sản phẩm nông sản an toàn và đặc trưng có thế mạnh của tỉnh Sơn La như mận, xoài, chè, nhãn, bơ, na, thanh long, mít, ổi, các loại rau và sản phẩm chế biến… được mang đến và giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô.
Người tiêu dùng mua sắm nông sản, trái cây tại Tuần lễ Mận và nông sản Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023 |
Nhiều HTX cho biết, đã đạt được doanh số bán hàng rất ấn tượng và đây là cơ hội hiếm có để nông sản Sơn La quảng bá, kết nối nhanh nhất với khách hàng. Ông Nguyễn Đình Hướng - Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) – chia sẻ, ngay trong phiên khai mạc của Tuần lễ (1/6), doanh số bán hàng của HTX đã đạt hơn 20 triệu đồng. Điều quan trọng hơn, đây là cơ hội để chúng tôi giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của HTX tới người tiêu dùng, các nhà mua hàng lớn là hệ thống bán lẻ hiện đại. HTX Hưng Thịnh cũng là một trong những đơn vị tham gia ký kết hợp tác phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn Cetral Retail trong Tuần lễ lần này.
Tiếp ngay sau sự kiện trên, nhằm hỗ trợ quảng bá, đẩy mạnh kết nối trái cây, nông sản mùa vụ của các địa phương, hàng loạt các sự kiện đã được ngành Công Thương Hà Nội đồng hành với các địa phương triển khai như: Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang (tại huyện Lục Ngạn); Phiên chợ Vải Hưng Yên tại EcoPark; Lễ Khai trương các Điểm trưng bày, bán và giới thiệu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tại Hà Nội (trên toàn bộ hệ thống Cửa hàng thực phẩm Biggreen Việt Nam)…
Người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) chuẩn xuất khẩu ngay tại thị trường Hà Nội |
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam - chia sẻ, chỉ trong buổi sáng diễn ra sự kiện khai mạc (10/6), một lượng lớn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được tiêu thụ. Vụ mùa năm ngoái, chúng tôi xuống mua trực tiếp dưới các nhà vườn, khối lượng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà được khoảng 50 tấn. Mùa vụ năm nay, với sự kết nối của các cơ quan chức năng, chúng tôi có được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và ổn định, kỳ vọng khối lượng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với năm ngoái.
“Với sự ủng hộ nhiệt tình cũng như công tác kết nối chu đáo của các Sở, ban ngành chức năng nói chung và ngành Công Thương Hà Nội nói riêng, qua đó, chúng tôi có được các sản phẩm chất lượng, đúng thương hiệu để cung cấp đến người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La – đánh giá, việc liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông sản giữa Sơn La và Hà Nội sẽ tạo lực đẩy quan trọng, là cơ hội tốt đưa sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn của tỉnh Sơn La vào thị trường Thủ đô, từ đó kết nối với các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại hệ thống của Central Retail Việt Nam hiện đang có gần 100 mặt hàng nông sản Sơn La được bày bán. Năm 2022, sản lượng nông sản Sơn La tại hệ thống Cetral Retail Việt Nam tăng đến gần 1.000 tấn. Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc đối ngoại và đầu tư miền Bắc - Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết, hiện nay tại hệ thống bán lẻ thực phẩm của Central Retail (GO!, Big C, Tops Market), các sản phẩm của tỉnh Sơn La được khách hàng rất ưa chuộng bởi chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, Organic…
“Năm 2022 vừa qua, sản lượng nông sản Sơn La tại các siêu thị của hệ thống đạt mức tăng trưởng gấp 20 lần, thậm chí có những mặt hàng như bắp cải tăng trưởng 80 lần. Kết quả có được một phần là từ công tác kết nối nhà phân phối với nhà sản xuất của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Công Thương Hà Nội”, bà Phạm Thị Thùy Linh cho biết.
Đã có trên 100 mã sản phẩm mới đưa được vào các kênh phân phối Hà Nội
Tháng 6 - thời điểm nhiều địa phương bước vào mùa vụ thu hoạch rộ trái cây, nông sản như: Xoài, mận Sơn La; mùa vụ vải thiều tại Bắc Giang và Hải Dương; bí thơm và nông sản Bắc Kạn… Thay vì lo lắng giá cả bấp bênh thì thời điểm này nhiều mặt hàng đã được bán với giá ổn định, người dân có lãi.
Các đại biểu thăm quan gian hàng tại Tuần lễ Mận và nông sản Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023 |
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, trong năm 2023, Sở nhận được đề nghị của 12 tỉnh, thành phố về phối hợp, hỗ trợ cung cấp danh sách trên 2.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đến hệ thống phân phối, siêu thị, đơn vị quản lý, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hà Nội,…
Trong thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội cũng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: Phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền trên quá các bài viết trên kênh báo chí, truyền hình; hỗ trợ tham gia quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện… qua đó, đã có trên 100 mã sản phẩm mới đã được các kênh phân phối Hà Nội kết nối, tiêu thụ ngay trong năm 2023,…
Trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục tích cực hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội theo nhiều hình thức phù hợp như: Tổ chức các buổi trao đổi, làm việc giữa các nhà cung cấp và đơn vị phân phối; thông tin, mời sản phẩm các tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá do thành phố Hà Nội tổ chức…
Việc đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương đã, đang và tiếp tục góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố đến thời điểm thu hoạch, có sản lượng lớn, cần tiêu thụ trong thời gian ngắn vào các hệ thống kênh phân phối. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Thủ đô được tiếp cận, nhận biết mẫu mã, thương hiệu các sản phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ để ưu tiên lựa chọn, tiêu dùng.
“Với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho nông sản, trái cây các địa phương”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.