Tận dụng Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp cần chú trọng các chiến dịch quảng bá sản phẩm Hiệp định UKVFTA: Thúc đẩy thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Anh |
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (Hiệp định UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Sau hơn 2 năm thực thi, những kết quả tích cực mà Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đã được khẳng định rõ ràng. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã chia sẻ về tác động tích cực của UKVFTA đối với thương mại, đầu tư.
Công nghiệp chế biến chế tạo đang thu hút nhiều dự án từ nhà đầu tư Anh. Ảnh: TTXVN |
Xin ông chia sẻ về tình hình tận dụng Hiệp định UKVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam trong hơn hai năm qua, đặc biệt là trong việc tận dụng nguồn lực đầu tư nhập khẩu từ Vương quốc Anh?
Có thể nói kể từ khi UKVFTA có hiệu lực thì thị trường Vương quốc Anh là một trong những thị trường rất đáng chú ý.
Ở khía cạnh liên quan đến việc tăng trưởng xuất nhập khẩu, năm 2021, tức là một năm sau khi UKVFTA có hiệu lực thì xuất nhập khẩu hai chiều tăng rất mạnh, đặc biệt là từ phía Vương quốc Anh tăng trưởng đến 24%, xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh cũng tăng trưởng 19%.
Năm 2022, khó khăn chung của thế giới và kể cả nền kinh tế Anh có giảm nhưng xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh tăng khoảng 1,9% và đặc biệt nhập khẩu từ Vương quốc Anh tăng trưởng khoảng gần 3%.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nhập khẩu từ Anh hay các lĩnh vực thu hút đầu tư từ Anh là những lĩnh vực chúng ta cần. Hàng hóa Vương quốc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho da giày, dệt may, các nguyên phụ liệu sản xuất khác. Các mặt hàng nhập khẩu giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng để xuất khẩu trở lại Vương quốc Anh từ đó tận dụng được lợi thế từ UKVFTA mang lại.
Về đầu tư, khi UKVFTA có hiệu lực, thì số lượng vốn đầu tư tăng gần gấp đôi. Điều này cho thấy, có sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư của Anh và cũng có sự chú ý từ các công ty Việt Nam trong việc phải hợp tác với Vương quốc Anh. Đặc biệt, gần đây, các dự án về năng lượng xanh Vương quốc Anh đầu tư rất mạnh. Điều này cho thấy, những chủ trương của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy ngăn chặn biến đổi biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh, kinh tế xanh cũng rất phù hợp với chủ trương của Việt Nam. Đấy chính là một điểm mà tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh đã và đang chú ý đến đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta đang cần.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. Ảnh: TCCT |
Trong thời gian tới xu hướng hợp tác đa phương của Vương quốc Anh sẽ có tác động như thế nào tới tình hình hợp tác đầu tư của Vương quốc Anh nói chung và tình hình hợp tác đầu tư của Vương quốc Anh với Việt Nam nói riêng, thưa ông?
Là một cường quốc nên Vương quốc Anh sẽ có những định hướng toàn cầu. Tuy nhiên ở góc độ châu Á thì ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thì chúng ta thấy rằng có một số khuôn khổ hợp tác mà Vương quốc Anh đã và đang tham gia hoặc quan tâm.
Vương quốc Anh đã hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP và chúng ta đang trong giai đoạn tiến hành phê chuẩn việc gia nhập này. Chúng tôi kỳ vọng, trong năm 2024 Vương quốc Anh sẽ chính thức trở thành thành viên CPTPP và lúc đó những cam kết của Vương quốc Anh dành cho các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam sẽ có hiệu lực. Khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP cũng đã có nhiều cam kết mới cho Việt Nam, tạo thêm những thuận lợi hơn nữa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản hay một số các mặt hàng khác.
Ngoài ra, chúng ta thấy Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện nay có nhiều khuôn khổ hợp tác rất quan trọng. Ngoài Hiệp định CPTPP, chúng ta có Hiệp định RCEP hay các hiệp định ASEAN mà hiện nay ASEAN đang thỏa thuận với đối tác mà Anh cũng muốn trở thành một đối tác của ASEAN. Bên cạnh đó, còn một khuôn khổ nữa mà chúng ta thấy rất quan trọng, đó là Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Đây cũng là những khuôn khổ tạo ra những lĩnh vực hợp tác mới về xây dựng chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế công bằng.
Đặc biệt chúng ta cần chú ý Ấn Độ - Thái Bình Dương từ trước đến nay luôn là một khu vực quan trọng của Chính phủ Anh và Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là một trong những nội dung được thể hiện rất là rõ trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế của Vương quốc Anh. Như vậy, trong thời gian tới khi các khuôn khổ có hiệu lực nhiều hơn hay khuôn khổ đang chuẩn bị có sẽ đạt những kết quả thực thi tốt hơn theo đó các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh sẽ chú trọng nhiều hơn đến Việt Nam.
Hơn nữa, khi Vương quốc Anh muốn thâm nhập sâu vào Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên UKVFTA đã có lại có thêm các khung khổ có Việt Nam tôi nghĩ rằng không có lý do gì để các nhà đầu tư Anh hay các doanh nghiệp Anh lại quên Việt Nam cả và chắc chắn nó sẽ tạo thêm những động lực mới để các nhà đầu tư Anh tìm đến Việt Nam nhiều hơn, hợp tác nhiều hơn với khuôn khổ đó.
Để có thể tận dụng hiệu quả được những nguồn lực đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì trong thời gian tới, theo ông?
Trước hết, các doanh nghiệp cần quan tâm đến Vương quốc Anh nhiều hơn. Thực tế chúng ta thấy nếu nhìn vào tỷ trọng của thị trường Vương quốc Anh trong tổng xuất nhập khẩu của chúng ta còn rất khiêm tốn (1,5 - 1,6%) so với tiềm lực của cả hai quốc gia. Mặt khác, tỉ trọng xuất khẩu không tăng mà thậm chí giảm. Điều đấy cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta chưa chú trọng đến thị trường Vương quốc Anh. Đấy là một điểm đáng tiếc bởi vì Vương quốc Anh là một thị trường rất lớn.
Hiện, chúng ta đã có UKVFTA, chúng ta có quan hệ rất tốt với Vương quốc Anh và đây còn là thị trường truyền thống nữa. Trong bối cảnh các thị trường chủ lực giảm, thậm chí giảm mấy chục phần trăm thì thị trường Anh lại tăng trưởng hơn 10% cho ngành da giày. Vì vậy, chúng ta phải tập trung chú trọng đến Vương quốc Anh nhiều hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư, nâng cao công nghệ sản xuất để cải thiện chất lượng sản phẩm. Đây là vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó do nguồn lực hạn chế. Song, điều quan trọng là doanh nghiệp phải quyết tâm cải thiện. Đồng thời, phải quan tâm, sẵn sàng đáp ứng các đòi hỏi về phát triển bền vững, môi trường, lao động. Nếu doanh nghiệp không chú ý vô hình chung lâu dài chúng ta sẽ mất thị trường.
Cùng với doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy triển khai kết nối doanh nghiệp Anh vào với hệ sinh thái của doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại, chúng tôi cũng muốn các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Anh.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang có những cơ sở vững chắc nhưng họ đang gặp khó khăn. Nếu có thêm công nghệ từ phía Anh, cũng như có thêm vốn từ phía Anh là một điều rất thuận lợi. Khi có sự kết nối của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Anh, nhà đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư Anh đồng nghĩa lợi ích của UKVFTA không chỉ đến từ một phía mà sẽ đến cho cả hai phía, Vương quốc Anh cũng hưởng lợi và Việt Nam cũng được lợi.
Xin cảm ơn ông!