Thừa ủy quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho Ban quản lý đình. Ảnh: Minh Châu |
Đình Hạ - Sồng tại thôn Tế Cát – xã Đức Lý – huyện Lý Nhân – tỉnh Hà Nam tọa lạc trên gò đất cao giữa vùng chiêm trũng, được khởi dựng từ tế kỷ XVII, XVIII với thiết kế hình chữ Nhị, nối giữa tòa tiền đường đồ sộ với tòa hậu cung là tòa tả vu và hữu vu. Đình có quy mô với nhiều hạng mục chứa đựng nét tinh túy của nghệ thuật kiến trúc; nhiều bức chạm khắc tinh xảo, điêu luyện mang đậm phong cách tiêu biểu thời Hậu Lê và Nguyễn sớm. Đình là nơi tôn thờ Thánh bà hiệu là Văn Lang công chúa; Thánh ông hiệu là Đức Đông Hải Đại Vương; Tam vị tướng quân hiệu là Đức Công Hoàng Đại Đạo, Đức Đô Thiện Đại Lộ, Đức Vũ Đại Tướng Quân cùng Nhị vị Thủy thần hiệu là Đức Câu Mang và Đức Câu My đã có công phò vua giúp nước, cứu dân, tiêu trừ giặc ngoại xâm.
Đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị văn hoá, ít gặp ở các di tích khác như: Ngai thờ, kỷ thờ, khay bát giác, tượng hầu, hoành phi, câu đối, đồ thờ bằng đồng,… có niên đại từ thế kỷ XVII, XVIII. Đặc biệt, đình còn lưu được giữ 8 câu đối, 6 bức hoành phi và 23 đạo sắc phong và phong thần tôn thờ các vị Đại vương là Thành Hoàng của làng cùng tấm áo gấm Vua ban, loại áo thờ quý giá, theo như sử sách ghi chép lại vốn chỉ hai bộ.
Mặc dù trải qua sự phong hóa của thời gian cùng sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh cùng hai lần trùng tu và sửa chữa lớn vào năm 1906 và năm 2011 nhưng Đình vẫn giữ được vẻ uy nghiêm cổ kính, bảo lưu đậm nét phong cách kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Đình hiện là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Đại diện Ban quản lý di tích rước Bằng xếp hạng di tích văn hoá cấp quốc gia vào nội tự của đình |
Với giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu đó, đình Hạ - Sồng, thôn Tế Cát, xã Đức Lý của huyện Lý Nhân - tỉnh Hà Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá, đồng thời nhắc nhở, đề cao trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của cha ông.