Thứ hai 21/04/2025 22:04

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở gần mức cao nhất trong 2 năm

Một thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, và ước tính nhu cầu gạo toàn cầu có thể tiếp tục tăng cho đến cuối năm nay.
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm do lo ngại về nguồn cung, trong khi nhu cầu cao giúp giá gạo của Thái Lan và Việt Nam duy trì ở gần mức cao nhất trong hai năm.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức 412-420 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 409-416 USD/tấn vào tuần trước.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Mumbai cho biết, nhu cầu đã tăng cao hơn nhưng giá vẫn tăng do nguồn cung hạn chế và Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua gạo từ nông dân.

Giá gạo toàn cầu, hiện ở mức cao nhất trong 11 năm, dự kiến sẽ tăng thêm sau khi Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua gạo từ nông dân, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino có nguy cơ làm giảm sản lượng của các nước sản xuất lúa gạo chủ chốt.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 500-510 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, và ước tính nhu cầu gạo toàn cầu có thể tiếp tục tăng cho đến cuối năm nay.

Một quan chức cấp cao của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết xuất khẩu gạo của cả nước năm nay sẽ vượt 6,5 triệu tấn, nhưng vẫn dưới mức 7,1 triệu tấn của năm ngoái.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy 95.200 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-12/7, với phần lớn gạo được chuyển đến châu Phi, Indonesia và Philippines.

Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng không đổi so với tuần trước, giao dịch ở mức 515 USD/tấn. Theo một thương nhân có trụ sở tại Bangkok, nhìn chung, giá gạo duy trì ở mức cao do nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia, Philippines, Malaysia và một số quốc gia châu Phi do lo ngại hạn hán khiến nhu cầu dự trữ tăng lên.

Các quan chức Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho hay sản lượng gạo vụ Hè của nước này sẽ vượt mục tiêu 21,5 triệu tấn trong năm nay. Bangladesh đang cố gắng kiềm chế giá gạo trong nước đang tăng cao bất chấp sản lượng và dự trữ dồi dào.

Thị trường nông sản Mỹ

Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đều giảm trong phiên 7/7, trong đó giá ngô giảm mạnh nhất.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 12 xu Mỹ (2,37%) xuống 4,945 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 giảm 8,5 xu Mỹ (1,29%) xuống 6,495 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2023 giảm 21,75 xu Mỹ (1,62%) xuống 13,1775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngũ cốc trên sàn CBOT sụt giảm sau khi có thông tin dự báo lượng mưa tốt ở một số khu vực gieo trồng. Tuần tới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố báo cáo sản lượng vụ mùa tháng Bảy vào ngày 12/7. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) dự báo giá đậu tương giao tháng 11/2023 có thể giảm dưới 13 USD/bushel.

Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 29/6 là 14,9 triệu bushel lúa mỳ, 9,9 triệu bushel ngô vụ cũ và 16,5 triệu bushel ngô vụ mới, và 6,9 triệu bushel đậu tương vụ cũ và 21,8 triệu bushel đậu tương vụ mới.

Trung Quốc đã mua ít nhất 18-22 lô hàng đậu tương của Brazil và 3-5 lô hàng đậu tương của Mỹ.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London tăng vọt. Giá càphê Robusta giao tháng 9/2023 tăng 111 USD, lên 2.621 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 11/2023 tăng 69 USD, lên 2.475 USD/ tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Nông dân thu hoạch càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp tục hồi phục. Giá càphê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9/2023 tăng thêm 0,45 xu Mỹ, lên 160,90 xu Mỹ/lb và giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng 12/2023 tăng thêm 0,4 xu Mỹ lên 160,05 xu/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.800-1.900 đồng, lên dao động trong khung 66.100-66.600 đồng/kg.

Lượng giao hàng tại sàn theo kỳ hạn tháng Bảy chỉ mới bắt đầu và khách mua qua sàn đã nhận hàng cùng lúc khiến mức tồn kho giảm mạnh, đây cũng là cơ hội để đầu cơ kích giá tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung./.

www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu cám gạo: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Đà Nẵng: Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics

Hội nghị của Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Bộ Công Thương họp sửa đổi Nghị định về xuất xứ hàng hoá

Dự báo, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng

HCMC FOODEX 2025: Mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Việt Nam - Áo: ‘Bắt mạch’ dòng chảy thương mại mới thời EVFTA

Xuất khẩu rau, quả: Vì sao sầu riêng mất 'ngôi vương'?

Bộ Công Thương xây dựng hệ thống cảnh báo sớm vụ kiện phòng vệ thương mại

Thêm 4 Nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Đơn hàng tốt, doanh nghiệp dệt may thu lãi lớn

Bộ Công Thương sẽ ký 4 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc

Thương mại Việt -Trung: Bộ Công Thương thúc đẩy hợp tác sâu tới nhiều địa phương

Bộ Công Thương thúc đẩy thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Lý giải xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đạt 17,8 tỷ USD

Chặn gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đề nghị quản lý chặt nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu

Viet Nam International Sourcing 2025: Gỡ điểm nghẽn chuỗi cung ứng, tạo sức bật cho hàng Việt

Xuất khẩu cà phê: Gia tăng tỷ trọng chế biến sâu

Viet Nam International Sourcing 2025: Bắt tay quốc tế, tăng tốc xuất khẩu, hút khách du lịch

TS. Tô Hoài Nam: Xanh hóa là ‘chìa khóa’ giúp hàng Việt vượt rào thuế quan