Giá cước vận tải biển tăng cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu đại dịch Giá cước vận tải biển tăng phi mã, vì sao? Phí, lệ phí hàng hải ít có tác động đến giá cước vận tải biển |
Giá cước vận tải đường biển đang tiến tới mức cao kỷ lục trước các sự kiện toàn cầu như khủng hoảng Biển Đỏ; tắc nghẽn cảng, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và châu Á; mất cân bằng trong việc tái định vị container với số lượng container rỗng ở Colombo và vùng Vịnh cao hơn so với Trung Quốc; và nhu cầu container mạnh mẽ được coi là nguyên nhân chính.
Như vậy, giá cước vận tải lại đang tăng lên. Và chỉ số Drewry tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại. Cụ thể tính đến ngày 6/6, chỉ số tổng hợp của Drewry đã tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet và đã tăng 181% so với cùng thời điểm năm ngoái. Theo ước tính, chỉ số tổng hợp hiện tại là 4.716 USD/container 40 feet, cao hơn 232% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch covid) là 1.420 USD.
Giá cước vận tải biển lại tăng cao kỷ lục trong khủng hoảng Biển Đỏ |
Giá cước vận chuyển chuẩn từ Thượng Hải đến Genoa tăng 17% hay 971 USD lên 6.664 USD/container 40 feet, trong khi giá cước từ Thượng Hải đến Rotterdam tăng 14% hay 762 USD lên 6.032 USD/container 40 feet. Tương tự, cước phí từ Thượng Hải đến Los Angeles tăng 11%; trong khi giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 6%. Drewry dự kiến giá cước vận tải ngoài Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào tuần tới do mùa cao điểm sớm bắt đầu. Theo công ty nghiên cứu Ấn Độ, Prabhudas Lilladher, giá cước giao ngay tháng 6/2024 đã vượt mức 3-4 lần (6.000 – 10.000 USD/ container 40 feet).
Các công ty vận chuyển như Maersk đã tăng mức chi phí cho năm 2024 thêm 50-75%, tương đương lên 7 - 9 tỷ USD. Maersk cho biết, nhu cầu thị trường container tiếp tục tăng mạnh, và sự gián đoạn do cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Biển Đỏ cho thấy các dấu hiệu tắc nghẽn cảng hơn nữa, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông và giá cước vận chuyển container tăng thêm.
Theo công ty định chuẩn giá cước vận tải đường biển Xeneta, giá cước vận chuyển container vận tải đường biển dự kiến sẽ tăng hơn nữa, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể đang chậm lại.
Dữ liệu Xeneta cho thấy giá cước giao ngay trung bình từ Viễn Đông đến Bờ Tây nước Mỹ dự kiến sẽ tăng 4,8%, đạt 6.178 USD/container 40 feet. Điều này trái ngược với mức tăng 20% của cùng một giao dịch hồi đầu tháng. Tương tự, giá cước từ Viễn Đông đến Bờ Đông nước Mỹ sẽ tăng 3,9% lên mức 7.114 USD/ container 40 feet, mức tăng vừa phải hơn mức tăng 15% từ ngày 1/6.
Sự gia tăng này, mặc dù ít kịch tính hơn so với những lần trước, nhưng vẫn đặt ra một tình huống đầy thách thức cho các chủ hàng, vì một số người phải đối mặt với nguy cơ không thể vận chuyển container theo các hợp đồng dài hạn hiện có. Giá cước từ Viễn Đông đến Bắc Âu dự kiến tăng 10% từ ngày 15/6, đạt 6.357 USD/ container 40 feet.
Trong khi đó, giá cước từ Viễn Đông đến Địa Trung Hải sẽ tăng 7,2%, đạt 7.048 USD/ container 40 feet. Peter Sand, Nhà phân tích trưởng của Xeneta, cho biết thị trường vẫn còn nhiều thách thức do xung đột đang diễn ra ở khu vực Biển Đỏ, tắc nghẽn cảng, thiếu thiết bị và các vấn đề lao động tiềm ẩn tại các cảng của Mỹ.
Với xung đột đang diễn ra ở khu vực Biển Đỏ, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở Địa Trung Hải và châu Á, tình trạng thiếu thiết bị và các chủ hàng xếp hàng nhập khẩu trước mùa cao điểm quý 3, áp lực trong hệ thống vận tải container vận tải đường biển vẫn ở mức nghiêm trọng.
Tác động tiềm tàng của việc tăng giá cước giao ngay đối với lạm phát ở Mỹ và châu Âu nếu những chi phí này được chuyển sang người tiêu dùng. So với giữa tháng 12, giá cước giao ngay trung bình từ Viễn Đông vào Bờ Tây nước Mỹ đã tăng 276% và 316% vào Bắc Âu do xung đột ở Biển Đỏ.
Tuy nhiên, việc dự đoán chính xác thị trường là một thách thức do có nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm cả các lệnh ngừng bắn tiềm năng và các hoạt động của công đoàn tại các cảng của Mỹ. Hiện tại, khó có khả năng - nhưng không phải là không thể - giá cước giao ngay sẽ đạt đến mức như thời kỳ đại dịch Covid-19 nhưng có quá nhiều yếu tố tác động nên chắc chắn thị trường còn nhiều biến động.