Tại hội thảo quốc gia lần thứ II về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mới đây, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020” thuộc Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Qua đó, đã đạt được một số kết quả nghiên cứu và ứng dụng thực tế nhất định như: Ứng dụng công nghệ chiếu xạ tia gamma dùng nguồn 60Co trong ngành công nghiệp dệt may; ứng dụng kỹ thuật soi tia gamma kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tháp chưng cất hóa dầu; chế tạo thử nghiệm thành công thiết bị đo phóng xạ bao gồm phần cứng và phần mềm; chế tạo được thiết bị máy phổ kế gamma xách tay, máy phát tia X và xây dựng được các quy trình phân tích nhanh hàm lượng 4 ô-xít CaO, Fe2O3, SiO2 và Al2O3 phục vụ sản xuất xi măng; chế tạo thành công hệ đảo hàng cho chiếu xạ công nghiệp sử dụng nguồn 60Co. Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai thành công một số đề tài nghiên cứu ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật NDT, các kỹ thuật cao cũng đã được triển khai như chụp ảnh NDT kỹ thuật số, dòng điện xoáy, siêu âm phased array 3D.
Bên cạnh đó, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ 3 và thiết bị CT/SPECT công nghiệp có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dầu khí. Ngoài ra, trung tâm này còn nghiên cứu và chế tạo thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh đã xuất khẩu sang 7 nước theo đặt hàng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA)...
Đặc biệt, thời gian qua, ứng dụng kỹ thuật Tracer trong công nghiệp và các ngành tế - kỹ thuật đã đạt được thành quả lớn, bao gồm việc thiết lập công nghệ khảo sát cho pha dầu, nước và khí với hơn 20 chất khác nhau; xây dựng các thuật toán và chương trình tính toán mô phỏng được IAEA và nhiều nước đánh giá cao; triển khai kỹ thuật đánh dấu trên các mỏ dầu ở Việt Nam và xuất khẩu dịch vụ sang nước ngoài như Kuwait, Angola và gần đây đang mở kênh dịch vụ sang Malaysia và các nước trong khu vực.
Theo TS. Nguyễn Hữu Quang - Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, kỹ thuật hạt nhân vẫn khẳng định vai trò quan trọng nhờ ưu điểm không xâm nhập và không can thiệp vào hệ thống, tiến hành online khi dây chuyền vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, những thành công đã đạt được vẫn chưa xứng với tiềm năng của kỹ thuật hạt nhân. Nền sản xuất càng phát triển thì nhu cầu ứng dụng của các kỹ thuật khảo sát, chẩn đoán và kiểm soát để đảm bảo an toàn, hiệu suất và cảnh báo, phòng ngừa tác động đến môi trường càng cao. Vì thế, từ nền tảng của những năng lực đã đạt được, cần thiết phải xây dựng chiến lược phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân có định hướng và đối tượng phục vụ cụ thể để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo hướng hiện đại và bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, cần sự quan tâm và đầu tư không chỉ của các cơ quan chức năng mà cả của doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các hình thức tuyên truyền và mô hình thử nghiệm để nhiều người biết hơn về các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân. |