Giống lúa đột biến được giới thiệu tại Hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử |
Thành tựu lớn
GS.TS. Trần Duy Quý - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, một trong những phương pháp chọn tạo giống cây trồng có hiệu quả nhất là ứng dụng kĩ thuật hạt nhân để tạo ra nguồn biến dị di truyền phong phú cho công tác chọn lọc. Có rất nhiều loại giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và thích ứng hơn với biến đổi khí hậu hiện nay được tạo ra bằng kĩ thuật hạt nhân.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), cho đến nay Việt Nam đã tạo ra được 78 giống cây trồng đột biến và đứng thứ 8 trên thế giới về thành tựu chọn giống đột biến. Ở Việt Nam, hơn 90% các giống đột biến được tạo ra nhờ việc sử dụng tia X và tia Gamma. Trong đó, đã có rất nhiều các thành tựu chọn tạo giống lúa bằng phương pháp đột biến để tạo ra các giống lúa có năng suất, chất lượng như: DT10, DT11, A20, DT16, ĐV2, ĐB250, MT4, ĐCM1, DT39, DT37, BQ, NPT3, TQ14, Tám thơm đột biến, Khang Dân đột biến, VN98-2…
Điển hình như giống lúa DT10 được công nhận chính thức là giống quốc gia vào năm 1990. Thời điểm này, Việt Nam là một quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng lương thực, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 3,3 tấn/ha. Giống lúa DT10 đột biến được đưa vào sản xuất với năng suất bình quân đạt từ 5,5 tấn/ha đến 6 tấn/ha đã trở thành một trong các giống lúa chính trong nhiều năm tại Việt Nam. Hay giống lúa Khang dân đột biến được công nhận là giống quốc gia vào năm 2007. Theo Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương, mỗi năm công ty bán ra thị trường trên 3.500 tấn giống Khang dân đột biến với diện tích bao phủ trên 200.000 ha.
“Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, 3 giống lúa giống đột biến mới là NPT4, NPT5 và QP-5 đã được chúng tôi chọn tạo ra có nhiều ưu điểm nổi trội như thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt 7 - 10 tấn/ha, chống chịu đạo ôn, bạc lá, rầy nâu, cơm dẻo, ngon... Các giống lúa này hoàn toàn có khả năng thay thế một phần lúa lai và các giống lúa thuần có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc” - GS.TS. Trần Duy Quý cho biết.
Cần tăng cường hỗ trợ
Tiến sĩ Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đột biến đã có đóng góp đáng kể đến sự phát triển nông nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chọn tạo giống đột biến ở Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa có sự định hướng, quan tâm rõ rệt, đặc biệt về nhân lực và hệ thống trang thiết bị.
“Tại Việt Nam các nhà khoa học vẫn phải chọn lọc thủ công, bằng mắt thường và kinh nghiệm, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo giống đột biến còn rất hạn chế, vì thế mất nhiều thời gian trong công tác chọn tạo. Do đó, việc đầu tư phòng thí nghiệm kết hợp chiếu xạ và công nghệ sinh học đang là nhu cầu cấp thiết của các nhà chọn giống cây trồng đột biến” - Tiến sĩ Lê Huy Hàm nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo giống đột biến hiện nay còn hạn chế nên việc chọn tạo và phát triển các giống đột biến chưa phát huy được tiềm năng của lĩnh vực này. Do đó, cần đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số 775/QĐ-TTg về “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020”. Mục tiêu của Quyết định là tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp như đến năm 2020 xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng; xây dựng được 10 phòng thí nghiệm ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nghiên cứu…
GS.TS. Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương: Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn, tăng cường cơ sở vật chất cũng như khuyến khích đầu ra đối với các giống cây trồng đột biến. |