EU hoãn quy định về chống phá rừng, cà phê Việt Nam được lợi gì? Sản xuất điện của EU đạt bước tiến mới Xe điện Trung Quốc sẽ chiếm 25% thị phần tại châu Âu trong năm nay? |
Theo các chuyên gia từ tờ Economist, nền kinh tế châu Âu đang phát triển trì trệ trên mọi mặt. Cụ thể, tăng trưởng trong thập kỷ vừa qua của khối này chỉ là 4%. Thậm chí, từ năm 2022, kinh tế của khối này và nước Anh đều không có bất kì sự tăng trưởng nào.
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Nguồn ảnh: Simon Wohlfahrt, Bloomberg |
Sự trì trệ này xảy ra trong bối cảnh châu Âu cần tăng trưởng kinh tế để có thêm kinh phí cho quốc phòng, đặc biệt là khi trợ cấp của Mỹ dành cho Ukraine đang dần cạn kiệt. Châu lục này cũng cần điều kiện kinh tế để đáp ứng mục tiêu về năng lượng xanh, với kỳ vọng EU sẽ trở thành một khối trung hòa carbon vào năm 2050. Và còn chưa kể tới những cản trở lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế như giá hóa dân số, các quy định hà khắc và hội nhập thị trường không đầy đủ.
Theo các chuyên gia dự báo, nền kinh tế EU sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới từ 3 cú sốc lớn: Năng lượng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế quan từ Mỹ.
Về năng lượng, tuy khủng khoảng về khí đốt tại khu vực này đã qua, dư âm của nó vẫn còn dai dẳng. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, kéo theo đó nguồn cung thắt chặt, giá khí đốt tự nhiên tại EU đã tăng vọt, đạt mức cao lịch sử với hơn 330 Euro/MWh vào tháng 8/2022. Tuy giá khí đốt đã quay trở lại bình thường vào đầu năm nay, nhưng nguồn cung khí đốt lâu dài cho khu vực này vẫn là câu hỏi mở. Nếu tiếp tục nhập khẩu khí đốt, EU có thể sẽ phải bỏ lỡ những mục tiêu về năng lượng tái tạo của mình.
Trầm trọng hơn là cú sốc từ sự gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này tuy mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng có thể gây hại cho các nhà sản xuất và làm gia tăng mâu thuẫn xã hội. Tăng trưởng xanh cũng là mục tiêu kinh tế của Trung Quốc, nơi đang dựa vào những mặt hàng xanh làm động lực phát triển kinh tế trong nước. Đặc biệt là về xuất khẩu xe điện, thị phần toàn cầu của nước này có thể tăng gấp đôi lên vào năm 2030. Đây sẽ là mối lo lớn đối với các hãng xe lớn tại châu Âu như Volkswagen và Stellantis, vốn đã độc chiếm thị trường.
Cú sốc cuối cùng đến từ đồng minh lâu đời nhất của EU đó là Mỹ. Khảo sát gần đây cho thấy, kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới tại quốc gia này đang vô cùng sát sao. Nếu ông Donald Trump quay trở lại Nhà trắng vào tháng 1 năm tới, hàng hóa từ châu lục này cũng có thể bị áp đặt mức thuế khổng lồ. Nếu trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã áp đặt thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, thì lần này, ông có thể sẽ áp mức thuế quan 10% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ khối này. Một cuộc chiến tranh thương mại mới sẽ là viễn cảnh tồi tệ với các nhà xuất khẩu châu Âu, vốn có doanh thu 500 tỷ euro tại Mỹ vào năm 2023.
Châu Âu cần làm gì để cứu vớt nền kinh tế?
Trong những năm gần đây, ngân hàng châu Âu đã chống lạm phát một cách đúng đắn bằng cách tăng lãi suất. Trái ngược với Mỹ, các Chính phủ các nước châu Âu đang cân bằng ngân sách tốt hơn, điều này sẽ làm dịu nền kinh tế, trong khi hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ trực tiếp làm giảm lạm phát. Điều này sẽ tạo cơ hội để các ngân hàng trung ương trong khối cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Nếu các ngân hàng trung ương giữ cho nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái, việc đối phó với các tác động bên ngoài sẽ dễ dàng hơn.
Theo các chuyên gia từ tờ Economist, sai lầm lớn sẽ là việc châu Âu chạy theo chủ nghĩa bảo hộ như Mỹ và Trung Quốc bằng cách tung ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Cạnh tranh về trợ cấp không những là cuộc chiến chứa nhiều rủi ro, nó còn lãng phí các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm tại châu Âu. Tăng trưởng kinh tế chậm trong thời gian qua đã bộc lộ những sai sót từ việc hoạch định nền kinh tế quá mức về phía Trung Quốc. Còn về phía Mỹ, chính sách công nghiệp của tổng thống Joe Biden đã không gây ấn tượng với cử tri như mong đợi, khiến triển vọng nhiệm kỳ thứ 2 của ông ngày càng thấp.
Ngược lại, nếu biết tận dụng thời cơ, chủ nghĩa bảo hộ từ Trung Quốc và Mỹ có thể làm nền kinh tế EU dồi dào hơn. Sự bùng nổ sản xuất ở Mỹ là cơ hội cho các nhà sản xuất châu Âu cung cấp linh kiện. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ giúp quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trở nên dễ dàng hơn và giúp đỡ người tiêu dùng đang gặp khó khăn.
Hơn nữa, các chuyên gia khuyến cáo châu Âu nên xây dựng chính sách kinh tế riêng phù hợp với thời điểm hiện tại. Thay vì rót tiền công vào ngành công nghiệp như Mỹ, châu Âu nên chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, giáo dục cũng như nghiên cứu và phát triển. Thay vì sao chép kế hoạch kinh tế từ Trung Quốc, châu Âu nên học hỏi từ các công ty Trung Quốc về việc tiếp cận thị trường nội địa. Nếu EU hội nhập thị trường dịch vụ, thống nhất các thị trường vốn, cũng như nới lỏng những quy định hiện hành, họ có thể khuyến khích đổi mới sản xuất và thay thế những công việc đã mất.
Đặc biệt, tờ Economist nhấn mạnh rằng: “Chỉ thị trường được mở rộng mới có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu khi thế giới đang đầy biến động”. Tờ báo cũng khuyên các nhà ngoại giao châu Âu nên ký các thỏa thuận thương mại mỗi khi có thể, thay vì để chúng trì hoãn trong những cuộc đàm phán như trước đây.
Cơ hội phát triển kinh tế giữa Việt Nam và EU
Tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU chắc chắn sẽ có lợi cho đôi bên trong thời kì kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang ngày càng diễn biến phức tạp. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư, nhà đầu tư lớn thứ 6 và là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện nhất với EU, là nước duy nhất trong khu vực có tất cả các trụ cột hợp tác với EU.
Về phía Việt Nam, EU được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Theo hiệp định, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU như cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, chè và cao su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho nông sản Việt Nam.
Kể từ khi thực thi Hiệp định EVFTA, không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc từ EU, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực khác từ EU như dược phẩm, hóa chất, sữa và sản phẩm sữa cũng tăng trong năm vừa qua, theo báo cáo của Bộ Công Thương.
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 1/2024, ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu cho rằng, về tương lai, Việt Nam sẽ là điểm đến ổn định trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều bất ổn. Ông cũng đánh giá Việt Nam và EU có mối quan hệ ổn định, đáng tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, với nhiều hiệp định được ký kết, vì thế hai bên cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy mối quan hệ này tiếp tục phát triển sâu rộng hơn nữa trong tương lai.