Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 (ước đạt 30,32 tỉ USD) giảm 7,7% so với tháng trước nhưng đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7.2022 ước đạt 30,3 tỉ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sản xuất đang hồi phục và ổn định.
7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa cả nước đã ước tính xuất siêu 764 triệu USD |
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỉ USD.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa như vậy, trong khi cùng kỳ năm trước, cả nước phải nhập siêu tới 3,31 tỉ USD, thì 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa cả nước đã ước tính xuất siêu 764 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thể vượt mốc 700 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, cho thấy doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt các cơ hội từ hội nhập và những thuận lợi từ thị trường.
Đáng chú ý, nếu như những năm trước đây, phải mất khoảng 2-3 năm, mốc 100 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mới đạt được thì nay, chỉ mất 1 năm để đạt được con số này. Ông Trần Thanh Hải cho biết, do hoạt động xuất khẩu đã có được kết quả tương đối tốt với con số tăng trưởng ổn định thời gian qua nên việc đạt được con số 100 tỷ USD cần ít hơn thời gian trước đây.
Với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo thiết thực, hiệu quả, để hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.