Những lễ hội mùa xuân đặc sắc, thu hút đông du khách ở miền Bắc Longform | Lễ hội mùa xuân: Bộ sử dân gian diễn xướng trên thực cảnh Những lễ hội lớn dịp đầu năm ở miền Nam có gì đặc sắc? |
Lễ hội đầu xuân là hoạt động văn hoá tốt đẹp của dân tộc, là dịp để mỗi người dân gửi gắm những ước vọng đầu năm.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu, việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, lễ hội ở mỗi địa phương có điểm nhấn khác nhau, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và thực hiện đúng chính sách của chúng ta đó là tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Đa phần các lễ hội đầu năm là hướng tới các giá trị cố kết cộng đồng, hướng tới tổ tiên từ đó tạo ra động lực tinh thần và các giá trị thiêng liêng khác. Song trải qua thời gian, bị nhiều yếu tố vật chất chi phối, nhiều lễ hội đã biến tướng, chạy theo thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi tâm linh.
Những hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh trong các lễ hội, theo ông Bùi Hoài Sơn là cần lên án để trả lại những giá trị thực cho lễ hội, để lễ hội thực sự là sự kiện của cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc.
Đồng thời, thông qua trải nghiệm lễ hội ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, không chỉ tăng cơ hội thực hành các giá trị văn hóa truyền thống cho nhân dân mà từ đó tăng cường niềm tự hào dân tộc, tự tin về văn hóa giàu bản sắc của đất nước đối với mỗi người dân.
Sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, dự báo việc tham gia lễ hội của nhân dân sẽ tăng đột biến, vì thế, trước thềm lễ hội đầu năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra khâu tổ chức ở các địa phương. Đồng thời, Bộ này ghi nhận, tất cả các địa phương đều có phương án chuẩn bị các hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống bắt đầu từ vào mùa lễ hội xuân.
Cục trưởng Cục Văn hoá Cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Chỉ thị 274, Cục Văn hóa Cơ sở đã tiến hành làm việc với một số địa phương có những hoạt động lễ hội mà còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều trong việc tổ chức các lễ hội trước đây, ví dụ như: Đúc Bụt và Chọi trâu ở Vĩnh Phúc, Chọi trâu ở Hải Lựu…
Ngoài việc kiểm tra, yêu cầu cũng như đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng, Cục Văn hóa Cơ sở cũng có các văn bản trực tiếp gửi về cho địa phương, trong đó trọng tâm đến một số tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…. Văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm những quy định của Nghị định 110, cần phải sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các hoạt động lễ hội một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Lãnh đạo Cục Văn hoá Cơ sở nhấn mạnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có những văn bản yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra trước và sau lễ hội. Đồng thời, thực hiện yêu cầu nâng cao ý thức cũng như biện pháp quản lý của chính quyền địa phương.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng Cổng thông tin điện tử cơ sở dữ liệu về lễ hội hoạt động vào đầu năm 2023. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cổng thông tin này sẽ hệ thống hóa tất cả các lễ hội trên toàn quốc. Người đọc có thể truy cập tất cả các thông tin của tổng thể các lễ hội các cấp. “Từ những việc như vậy thì các địa phương cần phải căn cứ vào số lượng lễ hội hiện nay đang có ở địa phương mình để đưa ra biện pháp phân cấp quản lý”- bà Hương cho hay.
Đồng thời, căn cứ vào sự phân cấp ở Cổng dữ liệu này, UBND các tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra cũng như phương pháp quản lý, cách thức quản lý lễ hội trên toàn quốc, từ sự phân cấp các loại hình lễ hội như loại hình lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp huyện..
Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm và giữ được các giá trị tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, trong quá trình diễn lễ hội năm 2023 cần có những khuyến cáo với các địa phương về công tác tuyên truyền; mặt khác tất cả các ban quản lý, các di tích hoặc ban quản lý của các lễ hội cần phải xem xét và quan tâm đến cơ sở vật chất của những nơi tổ chức lễ hội.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 5256/ BVHTTDL-VP về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023. Công văn nêu rõ địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Bộ này yêu cầu, việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Cùng với đó, Cục Văn hóa Cơ sở cũng đã có công văn số 1240/VHCS-NSVH gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão đề nghị các Sở Văn hóa, Thông tin; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đặc biệt, Cục này nhấn mạnh phải quyết liệt ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…