Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chuyên gia văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã có cuộc trò chuyện với Báo Công Thương về lễ hội mùa xuân truyền thống. ------ |
gửi gắm những ước vọng |
*Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân khắp cả nước lại náo nức đi trẩy hội. Trải qua thời gian, truyền thống này vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát triển, trở thành một nét đẹp đầu xuân, năm mới. Xin ông cho biết ý nghĩa của lễ hội mùa mùa xuân của Việt Nam? Lễ hội là hoạt động văn hoá, tinh thần của nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử. Nội dung cơ bản nhất của lễ hội là đem đến thông điệp từ người trình diễn, các chủ thể tổ chức và người đi xem hội. Trên tinh thần đó, ý nghĩa của lễ hội là vô cùng phong phú và tùy từng lễ hội. Trong kho tàng văn hoá lễ hội của dân tộc, chúng ta có thể chia lễ hội săn bắt hái lượm, lễ hội nông nghiệp, lễ hội vui chơi, lễ hội các ngành nghề… mỗi lễ hội chứa đựng nội dung, ý nghĩa rất cơ bản. Đơn cử, với lễ hội săn bắn thường diễn đạt lại tục săn bắt của người xưa, còn lễ hội nông nghiệp thường diễn đạt hoạt động khai khẩn, gieo trồng, thu hoạch, gắn với thờ tự các tổ nghề như nghề may, đan, làm ngói, gạch, mộc, hát xướng… Vì là trình diễn nên lễ hội thường có hành động hội, động thái hội khi tổ chức… nên trong tổng thể lễ hội luôn có các hoạt động như ẩm thực, nghệ thuật, thể thao, cúng tế… Theo cổ xưa, khi chưa tính lịch âm và người Việt Nam lúc đó đang chia ra mùa nắng, mùa mưa, mùa nóng và mùa lạnh nhưng kể từ khi sử dụng lịch âm có tháng năm, mùa, trong đó mùa xuân được người Việt coi đó là mùa nông nhàn. Mặt khác, trước đây, cấy lúa chiêm thường cấy trước trước Tết, cấy xong là nhàn rỗi khoảng một thời gian, tầm một tháng. Vì thế người dân dùng khoảng thời gian đó để tổ chức lễ hội và tham gia hội. |
Cùng với lễ hội mùa xuân, mùa thu cũng là thời gian diễn ra nhiều lễ hội. Vì thế, nên khi đi lễ hội chúng ta thường thấy các cụ hay nói là xuân thu nhị kỳ, tức là hai kỳ tổ chức lễ hội nhiều nhất chính là mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa thu thường gắn với mùa thu hoạch của cư dân và được tổ chức dựa trên mùa trăng khi chưa sử dụng lịch âm. Sau này, hầu hết các lễ hội thường tập trung tổ chức vào mùa xuân, Tết Nguyên đán ở đó người ta nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống, diễn xướng để đón chào năm mới năm. |
Cảm hứng ngược nguồn mạnh mẽ |
*Cả nước có khoảng 9.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là diễn ra vào mùa xuân. Vậy, thưa ông giá trị đẹp đẽ chứa đựng trong lễ hội mùa xuân là gì? Nói 9.000 lễ hội chúng ta thấy đây là con số rất lớn, nhưng nếu so với số lượng làng, bản, thôn, tổ thì chúng ta thấy quá nhỏ. Cụ thể, với khoảng 9.000 lễ hội trong khi cả nước có 100 nghìn thôn làng, nghĩa là trung bình 10 thôn, làng chúng ta có 1 lễ hội và 9 thôn làng khác không có lễ hội. So với với làng có lễ hội thì làng không có lễ hội chúng ta luôn thấy không khí rất buồn bã, không có không khí rộn rã, vui vẻ và theo như giới nghiên cứu chúng tôi thường gọi đó là môi trường “khô” lễ hội. Trước đây, nhiều người không bao giờ lên núi chặt củi một mình mà thường đi theo nhóm. Từ tập trung sinh hoạt đó tạo ra các kiểu hội. Nên hội chính là tập trung đông người lại và biểu tượng hóa thần thánh thiêng liêng nên người ta tổ chức lễ. Theo đó, giá trị đầu tiên của lễ hội đó là cố kết cộng đồng và biểu dương sức mạnh của cộng đồng. Đặc biệt, cảm hứng của lễ hội bao giờ cũng được gọi là cảm hứng ngược nguồn, nhất là trong các lễ hội cổ truyền những ký ức về cội nguồn luôn bùng lên rất mạnh mẽ. Với giá trị đó, việc tổ chức, tham gia lễ hội là cách để chúng ta uống nước nhớ nguồn, không quên nguồn gốc, nguồn cội. Và chính không quên nguồn gốc của chính mình, không quên nguồn gốc của làng xã, cội nguồn của tổ quốc vì thế lễ hội còn được gọi là bổ sử dân gian được diễn xướng trên thực cảnh. Bên cạnh đó, lễ hội luôn là niềm tự hào của cư dân, cộng đồng. Thậm chí, nhiều thôn làng, lễ hội mùa xuân có khi còn được coi trọng hơn cả Tết. Nhiều nhà dân, vào dịp lễ hội họ thường mời rất nhiều khách, nhà nào nhiều khách đến chơi luôn cảm thấy đây là niềm tự hào. |
Trong giá trị về niềm tự hào của cộng đồng, lễ hội còn trưng diện tổng hợp các yếu tố nghệ thuật. Nên, hàng năm với các lễ hội truyền thống, nếu không tự diễn được cộng đồng sẽ mời các đoàn chèo, đoàn tuồng đến biểu diễn. Tức là cảm hứng ngược nguồn mạnh mẽ đến mức các diễn xướng đều mang tính hướng cổ, có như thế mới thấy vui, thấy thiêng và trọn vẹn khi tổ chức lễ hội. Cuối cùng, lễ hội bao giờ cũng gắn với thờ cúng, gửi gắm những kỳ vọng đến tương lai, để củng cố điểm tựa tâm linh và khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi người. Theo đó, tham gia hội ai cũng kỳ vọng 3 mùa còn lại trong năm được an vui, tốt lành. Qua đó hệ giá trị lễ hội luôn nằm trong tổng thể các giá trị của quốc gia dân tộc. |
*Ngoài những giá trị tích cực, liệu có phải vì số lượng lễ hội lớn, lại tập trung chủ yếu ở mùa xuân nên ngày này không ít lễ hội xuất hiện nhiều tiêu cực, phản cảm, làm giảm giá trị, ý nghĩa của lễ hội, theo ông? Từ giá trị, ý nghĩa đến hành động cho thấy lễ hội là một thực thể luôn luôn vận động. Trong sự vận động đó, cái tồn tại lâu bền nhất như sợi chỉ đỏ chính là hệ giá trị của lễ hội, còn hành động của lễ hội có thể bảo lưu và cũng có thể thay đổi. Do vậy, lễ hội dân gian đang biến đổi là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa. Nhưng có những thay đổi gây phản cảm, gây thất vọng trong nhân dân. Ví dụ, nghi thức chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh) nếu trước đây được thực hiện trong đền kín nhưng gần đây lại tái diễn trước sự chứng kiến của cộng đồng, cho thấy, có những hành động hội đã bị làm sai. Thực tế cho thấy, nếu nể cổ sai thì phải dừng những thực hành sai, qua đó mới giữ được giá trị của lễ hội. Ngoài ra, trước đây, người dân ở Hà Đông muốn đi hội Lim (Bắc Ninh) phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Nhưng hiện nay chỉ mất 30 phút, có nghĩa là nhanh gấp 10 lần. Và xưa 1 người có thể đi hội, nhưng nay là 10 người trong khi thời gian hội, không gian hội vẫn vậy. Chính vì tích tụ người đột xuất nên xuất hiện các tiêu cực, lộn xộn, chen chúc, người dân không có thời gian xem hội, chiêm ngưỡng hội. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội mục tiêu kinh doanh đang lấn át các mục tiêu khác đẹp đẽ của lễ hội. Như, tập trung tận dụng lễ hội để kinh doanh mà chúng ta thường nói đó là tận thu lễ hội. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, tục ép rượu, hiện tường cờ bạc, mê tín, xin xăm, xin quẻ, bối toán xuất hiện trong không gian lễ hội. |
Văn hoá soi đườngquốc dân đi |
*Trong dòng chảy hội nhập, giao thoa văn hoá đang rất mạnh mẽ, vậy theo ông chúng ta cần làm gì để phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội, vừa xây dựng nền văn hoá tiến tiến, đậm bà bản sắc dân tộc, phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay? Văn hoá theo định nghĩa của Hồ Chí Minh năm 1943: Vì mục đích sinh tồn mà con người sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, đạo đức, khoa học kỹ thuật và văn hoá chính là yếu tố tạo ra các phương thức đó. Điều này cho thấy sự bao quát của văn hoá đối với các lĩnh vực trong đời sống. Cụ thể, không phát triển khoa học kỹ thuật là không phát triển văn hoá, không phát triển tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật là không phát triển văn hoá. Và sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi: "Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Từ định nghĩa đó, năm 2021 tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra 6 giải pháp phát triển văn hoá rất đầy đủ. Trong đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm, văn hoá là bản sắc của dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất. Tôi không thể tượng tưởng những cộng đồng khô kiệt văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật… sẽ như thế nào. Do đó, làm sao những yếu tố này càng phát triển thì đất nước, dân tộc chúng ta càng có bản sắc trong cộng đồng thế giới; trở thành sức mạnh để chúng ta tự tin hội nhập với bạn bè năm châu. Từ ý nghĩa của bản sắc văn hoá, chúng ta cần phải có giải pháp để quản lý, tổ chức lễ hội làm sao để giữ gìn được các giá trị tốt đẹp của lệ hội, qua đó quảng bá những giá trị văn hoá Việt Nam ra thế giới. Do vậy, để gìn giữ bảo tồn các giá trị tốt đẹp của lễ hội, trước hết phụ thuộc vào thiết chế chính trị xã hội của một quốc gia, cụ thể là chính quyền, cơ quan quản lý. Còn về phía cộng đồng nếu có phương hướng đúng, có kế hoạch đúng thì cộng đồng sẽ đồng thuận và họ sẽ chủ động tham gia. |
*Mùa xuân mới đang đến mang theo mùa lễ hội của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, theo ông người dân tham gia lễ hội cần làm gì để có được trải nghiệm về tâm linh, văn hoá một cách trọn vẹn? Đi lễ hội quan trọng nhất là tâm thế. Đến hội là để vui, để được hưởng thụ. Nên trước hết mỗi người dân cần có tâm thế tôn trọng lẫn nhau khi lễ hội. Đến lễ hội không quá chén, để tránh các hệ luỵ, cúng dường, cung tiến cho lễ hội… nhằm thể hiện sự từ tâm, tử tế. Đặc biệt, dù lễ hội là dịp tôn vinh những “hình tượng thiêng”, những vị thần, những người có công lao với đất nước, với cộng đồng và đi lễ hội là gửi gắm những cầu mong được che chở, có thêm niềm tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người đừng đừng nên mê tín qua lại đem về nỗi buồn không đáng có. Từ xưa đã có câu “đức năng thắng số” do vậy mỗi người hãy luôn ý thức sống tốt, sống có đức độ để có thể thắng số phận. Hãy sống an vui trong chánh niệm hiện tiền, sống đức độ hiền lành nhân hậu, lấy con tim đối đãi lẫn nhau thì sớm muộn gì nghiệp báo tốt đẹp cũng sẽ tới với mình. Với tâm thế đó, đến bất cứ lễ hội nào chúng ta cũng tìm thấy niềm vui, sự hưởng thụ, khám phá lễ hội một cách trọn vẹn nhất. Xin trân trọng cảm ơn ông! |
Thực hiện: Hoa Quỳnh - Trang Anh |