Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh Chính phủ điện tử, khai thác các nền tảng số và các ứng dụng công nghệ mạng cũng như thực hiện chức năng khuyến công, khuyến thương và đẩy mạnh thương mại điện tử, Sở Công Thương các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận là những đơn vị đi đầu trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong công tác kết nối tháo gỡ khó khăn về đầu vào nguyên liệu, đầu ra thành phẩm; và hỗ trợ kết nối các nhu cầu về vốn, công nghệ, nhãn hiệu... Đây là sự kiện trực tuyến đầu tiên được thí điểm tổ chức cùng một lúc tại 3 điểm cầu ở 3 tỉnh tại Việt Nam để kết nối với điểm cầu Singapore.
TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại, Trưởng bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore - cho biết: Ở điểm cầu Singapore đã có hơn 100 DN đăng ký tham gia ngay 1 tuần sau khi sự kiện được quảng bá trên Cổng thông tin của Thương vụ. Trong đó hơn 50 DN yêu cầu được tham gia hoạt động kết nối 1-1 cùng các DN Việt Nam với sự hỗ trợ phiên dịch từ Thương vụ.
“Do điều kiện kỹ thuật, Thương vụ buộc phải hạn chế số lượng DN Singapore tham gia; điều đó đã khẳng định sự quan tâm to lớn của DN Singapore đến thị trường Việt Nam và nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Về phía DN của 3 tỉnh, đây là lần đầu tiên các DN có cơ hội thử nghiệm và làm quen với hình thức kết nối trực tuyến thay cho các hình thức tham gia xúc tiến thương mại truyền thống trước đây. Thậm chí, các DN Việt Nam có thể lựa chọn tham gia trực tiếp tại hội trường của các tỉnh hoặc tự kết nối tại nhà qua Internet để tham dự hội nghị”, TS. Quỳnh chia sẻ.
Hội nghị giao thương trực tuyến giới thiệu các cơ hội đầu tư kinh doanh ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại điểm cầu Ninh Thuận |
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh và Thương vụ đã giới thiệu các mặt hàng thế mạnh, các lĩnh vực trọng điểm của ngành Công Thương và các tiềm năng, cơ hội đầu tư liên quan. Cùng với việc phổ biến các chủ trương, chính sách, quy hoạch của các ngành lĩnh vực công nghiệp; các cơ chế ưu đãi mới nhất dành cho các doanh nghiệp, hình thức trình chiếu video clips với các hình ảnh thực tế, sống động về các đặc sản, hạ tầng công nghiệp, năng lượng, giao thông… đã giúp các DN Singapore có sự hình dung cụ thể về các lợi thế và cơ hội của các tỉnh.
Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên 35 DN trên địa bàn 3 tỉnh có cơ hội tiếp cận với hình thức giao thương trực tuyến với các DN Singapore qua hình thức Chat room theo lĩnh vực sản phẩm và theo nhu cầu kết nối; có sự hỗ trợ của phiên dịch. Chính vì vậy, các DN hai bên đã có sự phản hồi rất tích cực về hiệu quả của mô hình giao thương trực tuyến này.
Tại hội nghị, ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - đã giới thiệu các mặt hàng thế mạnh, các lĩnh vực trọng điểm của ngành Công Thương và các tiềm năng, cơ hội đầu tư liên quan. Lâm Đồng là vùng cung cấp chè, cà phê lớn nhất, nhì Việt Nam; là vùng trồng rau, hoa chính của khu vực miền Nam. Ngoài ra, với khí hậu ôn đới và cảnh quan đặc thù, TP. Đà Lạt là một điểm đến du lịch nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của Lâm Đồng cũng đã và đang được xuất khẩu sang Singapore, như: rau, hoa, cà phê, khoáng sản và hàng dệt may.
Các DN Singapore trao đổi trực tuyến với các lãnh đạo Sở Công Thương 3 tỉnh |
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, sự phối hợp của Thương vụ và các cơ quan trong nước được các DN hai bên rất coi trọng vì đây là kênh “bảo chứng” cho việc kết nối được hiệu quả và có độ xác thực cao. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ sau sự kiện mà Thương vụ đề xuất cũng được các DN Việt Nam hoan nghênh vì sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử. Ngoài việc được trưng bày sản phẩm miễn phí tại showroom của Thương vụ; được hỗ trợ vận chuyển hàng mẫu…, các DN sẽ được tạo gian hàng ảo trên trang thông tin của Thương vụ để giúp tăng cường sự nhận diện sản phẩm ở Singapore.
TS. Trần Thu Quỳnh cũng cho biết, trong thời gian tới, Thương vụ tiếp tục làm việc với các đối tác trong nước và sở tại để làm phong phú thêm các loại hình hoạt động trực tuyến nhằm tạo thêm cơ hội tăng cường hợp tác giữa các DN Việt Nam và DN sở tại để đối phó với tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng và góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch thương mại, vốn, công nghệ vào Việt Nam. Một số lĩnh vực đã có trong kế hoạch như: kết nối ngành hàng đồ gỗ nội thất, thương mại điện tử, thực phẩm chế biến…
“Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối trực tuyến, góp phần tạo thêm một phương thức mới để xúc tiến quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh của các địa phương, trong bối cảnh khó khăn chưa thể tổ chức các đoàn đi giao thương trực tiếp”, TS. Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.