Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia
Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với tư cách là bộ quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu và chỉ đạo thực hiện những cơ chế chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong phát triển năng lượng, là chìa khóa cho tư nhân đầu tư vào dự án năng lượng, điện.
Nghị quyết 55 có nhiều chính sách đột phá phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.
Nghị quyết 55 cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.
Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện VIII, đồng thời rà soát bổ sung cho Quy hoạch điện VII điều chỉnh làm sao cho “trúng” và bám sát các định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55. Đặc biệt trong những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện, và đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện.
Khi triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, khảo sát, đánh giá và bàn bạc với các địa phương để thống nhất tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư và quy mô đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng điện để đảm bảo năng lượng tái tạo công suất lớn hơn, đặc biệt là khu vực có nhiều tiềm năng như miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam Bộ.
Chuyển đổi số ngành năng lượng là động lực phát triển bền vững cho đất nước
Trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị thì chuyển đổi số trong ngành năng lượng là một trong những nội dung quan trọng, giúp ngành năng lượng gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đây cũng là xu hướng tất yếu của tương lai.
Với những gì các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn của ngành Công Thương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tôi cho rằng tiến trình chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương sẽ dần trở thành hiện thực.
Công tác chuyển đổi số không thuần túy chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là thể chế. Việc triển khai các yếu tố này trong ngành năng lượng của Bộ Công Thương đã và đang được triển khai rất tích cực.
Rất nhiều người đã nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên số đều cho rằng công nghệ là rất quan trọng và chúng ta thấy rõ sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ số. Chúng ta có thể coi cuộc cách mạng này như là một cuộc cách mạng về thể chế. Nó làm thay đổi toàn bộ và thay đổi căn cơ toàn bộ đời sống xã hội của loài người. Và chuyển đổi này dựa trên hai yếu tố: một là dữ liệu, hai là công nghệ số.
Đối với khối các Tập đoàn, Tổng Công ty, việc chuyển đổi số đã đem lại ý nghĩa rất lớn. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không, có sống được hay không phụ thuộc lớn vào yếu tố có quyết liệt chuyển đổi số hay không.
Việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp thay đổi rất nhiều từ khâu quản trị đến cách tương tác với khách hàng, thị trường trong hệ sinh thái ngày càng đa dạng.
Thời gian vừa qua, cá nhân tôi quan sát vừa với tư cách vừa là người nghiên cứu cũng như người tiêu dùng, công cuộc chuyển đổi số đã bắt đầu mang lại những hiệu quả đong đếm được ở các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn tại Bộ Công Thương. Điều này thể hiển rất rõ qua hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tôi ví dụ như đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), người tiêu dùng có thể cảm nhận thấy rất rõ công tác chuyển đổi số trong việc liên lạc, tương tác, thanh toán với người tiêu dùng về sử dụng điện.
Trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số có một cái rất quan trọng với các Tập đoàn đó là phải phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã và đang thực hiện công tác chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững |
Công tác này cũng đã bắt đầu được triển khai ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ của nước ta mà của cả khu vực ASEAN thì kinh tế tuần hoàn sẽ đi đầu, ưu tiên, tập trung trong tăng trưởng xanh.
Hiện nay, bên cạnh việc khai thác tài nguyên thì công tác phát triển bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường được chú trọng. Trong công tác phát triển bền vững thì quá trình chuyển đổi số cần gắn với chiến lược mới, cách thức mới, góp phần đảm bảo hiệu quả kinh doanh cao nhất, hướng tới tăng trưởng xanh.
Chuyển đổi số phải có tính căn cơ, bài bản
Tôi cho rằng chuyển đổi số của ngành năng lượng hiện nay có 2 điểm tựa. Thứ nhất là chủ trương, chính sách của nhà nước về chuyển đổi số, cái đó chúng ta đã có đầy đủ. Việt Nam đã ra rất nhiều chiến lược chương trình về chuyển đổi số. Điểm tựa thứ hai là nhận thức. Đây là câu chuyện sống còn về khả năng cạnh tranh. Hiện nay, công tác chuyển đổi số đã bắt đầu đã thể hiện trên việc thông minh hóa quá trình sản xuất, tương tác tốt hơn với người tiêu dùng, đem lại hiệu quả rõ rệt với kinh tế, xã hội, tạo thuận lợi, hài lòng hơn cho đối tác.
Công tác chuyển đổi số là một việc mang tính chất dài hạn, cần phải có tính căn cơ, tổng thể. Đây là một câu chuyện lớn và chúng ta có thể lấy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là ví dụ rõ ràng nhất. Tôi nghĩ rằng trong vòng 20-30 tới, hai nguyên liệu dầu và khí sẽ có bước chuyển dịch cơ bản trong cơ cấu năng lượng. Và rõ ràng hệ sinh thái cũng sẽ chuyển dịch. Như vậy, gắn với hệ sinh thái đang dần chuyển dịch ấy thì rõ ràng công tác chuyển đổi số là một khâu rất quan trọng.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng chuyển đổi số thành công theo nghĩa căn cơ, bài bản là không dễ. Vì chi phí cho công tác chuyển đổi số không hề nhỏ, và hiệu quả đem lại so với chi phí đầu tư có thực sự như mong đợi hay không? .
Việc chuyển đổi số phải gắn liền với chiến lược phát triển của đơn vị. Đơn cử như PVN sắp tới sẽ gắn liền chuyển đổi số với câu chuyện năng lượng mới. Với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ là câu chuyện về nguyên liệu than, cần chuyển đổi hay giảm dần chuyển sang một lĩnh vực nào đó gắn với tầm nhìn chiến lược.
Để chuyển đổi số được cũng cần phải có kinh phí. Thông thường rất nhiều các Tập đoàn, Tổng Công ty sẽ tạo ra những dòng tiền, doanh thu để đầu tư cho công tác này. Bài học ở đây là chúng ta phải chọn ra một số lĩnh vực đối với những Tập đoàn, Tổng công ty nó có những tính lan tỏa cao, tính tiêu biểu, tạo ra hiệu ứng tốt để bắt đầu chuyển đổi số.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó chính là nhận thức của người đứng đầu đơn vị. Chỉ khi nào những người lãnh đạo đứng đầu đơn vị có quyết tâm cao và nhận thức đầy đủ và chuyển đổi số, về tăng trưởng xanh, về phát triển bền vững, thì khi ấy mới có thể làm nên một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện.
Hơn lúc nào hết, với những gì các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn nói chung và lĩnh vực năng lượng trong ngành Công Thương nói riêng đã và đang triển khai chuyển đổi số, chúng ta hoàn toàn có niềm tin về động lực giúp phát triển nền kinh tế trụ cột của đất nước trong thời gian tới.