Lực lượng Quản lý thị trường luôn ở vị trí tiên phong trong nhiệm vụ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tổng cục Quản lý thị trường lan tỏa văn hóa đọc sách tại Hà Tĩnh |
Chỉ hai tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020), Bộ Công Thương đã chính thức khởi động tiến trình chuyển đổi số của Bộ với việc thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Chuyển đổi số Bộ Công Thương”. Để đề án nhanh chóng đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Công chức, người lao động thi đua hoàn thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực Quản lý thị trường, góp phần đẩy mạnh Chuyển đổi số của ngành Công Thương năm 2023”.
Với phong trào thi đua này, Tổng Cục QLTT thêm một lần nữa khẳng định là cơ quan thuộc Bộ luôn đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia nói chung của Bộ Công Thương nói riêng. Đây cũng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội nói chung của lực lượng QLTT nói riêng. Chuyển đổi số trong lực lượng QLTT cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung “bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay”.
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của mọi quốc gia
Thời gian qua, thế giới chứng kiến công cuộc chuyển đổi số chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số hiện diện và tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, nghề lĩnh vực, từ dịch vụ quản lý tài chính, ngân hàng, đầu tư công đến đến các lĩnh gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân như dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sắc đẹp, mua sắm, trao đổi, kết nối, giao tiếp hàng ngày. Thế giới trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi mỗi người dân ở mọi quốc gia… chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối với một vài thao tác đơn giản là có thể kết nối thông tin tới mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ văn hóa, chính trị, kinh tế, đời sống xã hội. Thế giới nằm gọn trong bàn tay, khi chỉ cần di chuyển ngón tay cái, ta có thể biết được bên kia bán cầu, ở nửa vòng của trái đất, sự kiện gì đang xảy ra với nước Mỹ, thị trường dầu mỏ đang có những biến động theo chiều hướng nào, xu hướng của giá thế giới sẽ tác động đến giá xăng dầu bán lẻ ra sao…
Có thể nói, không một cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức hay doanh nghiệp, cá nhân nào đứng ngoài xu thế của chuyển đổi số. Nếu như vào những năm 1970-1980 trở về trước, thế giới gặp rất nhiều khó khăn trong việc tra cứu dữ liệu, tìm kiếm thông tin với việc lưu trữ thông tin bằng sổ sách, giấy tờ và văn bản giấy, thì nay việc lưu trữ thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Dữ liệu của các cơ quan Chính phủ đã được “số hóa” trên nền điện toán đám mây, cho phép người sử dụng có thể tra cứu thông tin với tốc độ lên tới hàng chục nghìn tỷ phép tính chỉ trong vòng một giây. Chỉ trong một thao tác chưa đầy 0,20 giây đã cho ra hàng chục triệu kết quả tìm kiếm mà không bị bất cứ giới hạn thông tin hay gặp khó khăn nào. Những thay đổi căn bản từ kỷ nguyên giấy sang giai đoạn mới của văn bản điện tử đã thực sự tạo một cuộc cách mạng lớn mang tính toàn cầu, diễn ra ở nhiều cơ quan Chính phủ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều quốc gia trên thế giới từ rất sớm đã áp dụng cách thức quản lý dữ liệu vào các lĩnh vực quản lý công như: hải quan điện tử, thuế điện tử, liên thông dữ liệu điện tử. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư hàng chục triệu đô la vào cơ quan đổi mới sáng tạo Quốc phòng để tăng cường sự kết nối với thung lũng Silicon và lĩnh vực công nghệ. Chính phủ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tăng cường sử dụng dữ liệu lớn vào các lĩnh vực quản lý công như trả lương hưu, thu thuế, ghi dữ liệu giao thông, ban hành các văn bản chính thức… Chuyển đổi số càng được thể hiện rõ nét trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong 3 năm 2019 – 2020 và nửa năm 2022 khi dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi và quy mô toàn cầu và ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã, đang và sẽ tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng – dạy truyền thống hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sĩ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế…
Tại Việt Nam, từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ ưu thế cũng như những tác động mãnh liệt của chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương nhanh chóng đón nhận và bắt kịp để tạo ra cơ hội, lợi thế cạnh tranh cũng như sự lớn mạnh của đất nước trong tương lai. Bên cạnh đó, để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27 tháng 9 năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên cơ sở đó, ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, kinh tế số chiếm 30% GDP, gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, mà quan trọng hơn là đưa Việt Nam trở thành một trong 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng. Để đạt được mục tiêu đó, cần xác định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ then chốt trong kiến tạo nền móng chuyển đổi số.
Ứng dụng chuyển đổi số trong kiểm tra, giám sát thị trường
Trong những năm qua, Bộ Công Thương nói chung, Tổng Cục QLTT nói riêng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao về xây dựng và triển khai chính phủ điện tử tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử, Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện từ giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Đáng chú ý, gần 5 năm qua, kể từ khi hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng Cục QLTT đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới.
Chính vì thế, phong trào thi đua được pháp động trong toàn lực lượng QLTT là nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác Chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực Quản lý thị trường, của ngành Công Thương, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức, người lao động; góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa công tác quản lý trong cơ quan nhà nước, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc hoàn thành cập nhật, kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Tổng Cục QLTT không ngừng nâng cao nhận thức và lấy công chức, người lao động là trung tâm của chuyển đổi số; trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới, bắt kịp với quá trình chuyển đổi số, đổi mới tư duy phù hợp với chuyển đổi số, môi trường số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Đến nay, 100% công chức QLTT được trang bị máy tính; 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao, 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia… Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS sẽ làm thay đổi căn bản công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính. Tổng cục QLTT đã quan tâm nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý thông tin mà người dân phản ánh. Mỗi năm, đường dây nóng của Tổng cục đã tiếp nhận hàng nghìn các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm. Từ kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, Tổng Cục đã chỉ đạo xử lý hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là bước đi tất yếu, tạo nền tảng hình thành môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, giải pháp để giải quyết các điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng, quản lý, điều hành của Bộ Công Thương của Tổng cục QLTT và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số phải bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng tới xã hội số an toàn. Tổng Cục QLTT xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số cũng là một phương thức hiệu quả để chúng ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác chống lại những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, xây dựng thế trận “lòng dân” trên không gian mạng…
Tổng Cục QLTT đã gắn các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trên cả thị trường thực và không gian ảo, giữ vững lập trường, quan điểm của mình trên hai mặt trận: đấu tranh phòng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT và đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, gắn với mục tiêu hiện đại hóa, chuyên môn hóa lực lượng, đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ, mục tiêu của đề án Chuyển đổ số Quốc gia, với 5 nhiệm vụ cơ bản, gồm: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các Nghị quyết của Đảng, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đất nước. Thứ hai, chú trọng, ưu tiên đẩy mạnh thi đua chuyển đổi số trong toàn lực lượng, bao gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng bộ dữ liệu… và ứng dụng CNTT vào việc truy xuất nguồn gốc, truy vết sản phẩm gắn với phát triển hệ thống thương mại điện tử tập trung, khuyến khích người nông dân chuyển sang phương thức giao dịch điện tử, không sử dụng tiền mặt. Thứ ba, bảo đảm an toàn an ninh thông tin và an ninh mạng, đồng thời xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng trên toàn hệ thống của lực lượng QLTT. Thứ tư, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của lực lượng Quản lý thị trường; đổi mới phương thức truyền thông trên cơ sở đề án Chuyển đổi số trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Thứ năm, tuyên truyền tới mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức các hành vi vi phạm pháp luật tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định pháp luật, góp phần hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, qua đó nâng cao vai trò của lực lượng Quản lý thị trường đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, qua đó, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng Đảng.
Thế giới của chúng ta chứng kiến bước chuyển động không ngừng, đòi hỏi không một doanh nghiệp hay cơ quan chính phủ nào nằm ngoài xu thế của chuyển đổi số. Việc xử lý công việc phần lớn được thực hiện bởi máy tính và các thiết bị điện tử, smartphone, thiết bị di động, từ mua sắm, giao lưu, tìm kiếm bạn hàng, đối tác, cơ hội làm ăn hay các công việc thường nhật như chuyện trò, kết nối, giao lưu… đều được thực hiện trên không gian mạng. Không cần phải đến chợ truyền thống, không phải xếp hàng cả giờ dưới cái nắng nóng mùa hè để mua sắm, các bà nội trợ chỉ cần ngồi ở nhà lướt Facebook, zalo, Tik Tok, Google là có thể tha hồ mua sắm các vận dùng cần thiết cho cá nhân và cả gia đình. Tiện lợi, giá cả có thể thương lượng và được các shipper vận chuyển đến tận cửa nhà… những tiện ích này đã khiến nhiều người, đặc biệt là giới công chức, văn phòng, chị em chốn công sở lựa chọn phương thức mua sắm này.
Tuy vậy, bên cạnh những tiện lợi cho người tiêu dùng, việc phát triển mạng các mạng xã hội, chợ ảo, sàn giao dịch điện tử… cũng kéo theo những hệ lụy như vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít shop mua sắm đã trà trộn hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Cùng với đó, sự bùng nổ thông tin trên môi trường mạng khiến cho các nội dung xấu độc xuất hiện ngày càng nhiều, người dân khi bị “quá tải” về không tin sẽ dẫn đến khả năng nhận biết, sàng lọc tin tức “thật – giả” bị hạn chế. Điều này vô hình chung đã tạo điều khiện cho các tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng để tấn công vào an ninh tư tưởng, làm suy yếu niềm tin của nhân dân; giới làm ăn, kinh doanh bất chính lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, sự ra đời ồ ạt của các sàn giao dịch, mua sắm để trà trộn các sản phẩm kém chất lượng, hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm SHTT để bán đến tay người tiêu dùng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cuộc cách mạng số
Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận những giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kịp thời vạch trần những âm mưu, thủ đoạn, cách thức... mà các thế lực thù địch sử dụng chống phá cách mạng nước ta. Đồng thời, nhận diện và đấu tranh với những thủ đoạn của thế lực phản động lợi dụng các phương tiện kỹ thuật số để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng là một yêu cầu then chốt của nhiệm vụ xây dựng đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số. Hầu hết các cường quốc lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều có các chính sách nhằm xác định những nguy cơ tiềm ẩn và đối phó với các cuộc tấn công, tuyên truyền thông tin sai lệch, thao túng phương tiện truyền thông xã hội nhằm gây ảnh hưởng đến các chính sách và lợi ích an ninh quốc gia của họ.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) vừa thực hiện đợt truy quét quy mô lớn chưa từng có nhằm tội phạm mạng. Ngoài các đợt điều tra, trấn áp tội phạm, EU cũng mạnh tay chi hàng tỷ USD để xây dựng và bảo vệ môi trường mạng an toàn. Europol đã tổng hợp và phân tích những dữ liệu tình báo dựa trên các bằng chứng được cung cấp bởi chính quyền Đức, vốn đã nắm giữ thành công cơ sở hạ tầng mạng của tội phạm vào tháng 12/2021. Theo đó, 288 cá nhân tham gia hàng chục nghìn giao dịch mua bán hàng hóa bất hợp pháp đã bị bắt giữ trên khắp châu Âu, Mỹ và Brazil. Khi các cơ quan thực thi pháp luật có thể truy cập vào danh sách người tham gia giao dịch trên dark web, hàng nghìn người mua hàng cấm trên toàn cầu đối mặt nguy cơ bị truy tố.
Gần đây nhất ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất Đạo luật Đoàn kết mạng của EU, nhằm cải thiện sự chuẩn bị, khả năng phát hiện và ứng phó các sự cố an ninh mạng trên quy mô toàn khối. Trong một tuyên bố giới chức EU nêu rõ: Đạo luật Đoàn kết mạng EU sẽ tăng cường đoàn kết ở cấp liên minh để phát hiện, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trước các sự cố an ninh mạng quy mô lớn, bằng cách tạo ra một “khiên bảo mật không gian mạng” tại châu Âu và một cơ chế ứng phó khẩn cấp mạng toàn diện. Ủy viên châu Âu về ngân sách Johannes Hahn cho rằng, trong một môi trường kết nối, một sự cố an ninh mạng đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến toàn liên minh, do đó việc xây dựng một lá chắn mạnh mẽ ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng là nhiệm vụ rất cần thiết đối với EU hiện nay. Trước đợt trấn áp quy mô lớn lần này, chính quyền Đức và Mỹ đã đóng cửa Hydra - vốn từng là thị trường dark web có doanh thu ước tính lên tới khoảng 1,23 tỷ euro, vào tháng 4/2022. Trong cuộc triệt phá Hydra, chính quyền Đức đã tịch thu khoảng 23 triệu euro tiền điện tử.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng Internet và mạng xã hội nhanh của thế giới. Tính đến năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số. Tính đến nay, Việt Nam đang có trên 70 triệu người dùng mạng xã hội và theo các tổ chức GWI và data.ai, sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu chững lại.
Có thể nói, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Điều này cũng đồng nghĩa với các nguy cơ tấn công vào an ninh tư tưởng, an ninh mạng, an ninh chính trị của nước ta trở nên thường trực hơn, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp, phương thức mới ứng phó với những tiêu cực trên môi trường mạng, trên không gian ảo. Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các tổ chức chính trị xã hội nói chung mà lực lượng QLTT nói riêng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng cục QLTT mới đây cũng xác định: Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các biện pháp bảo vệ bí mật, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của Đảng, Nhà nước. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Lực lượng QLTT vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại. Theo đó, trong thời gian tới, các cán bộ, Đảng viên, công chức QLTT cần tăng cường áp dụng các giải pháp cụ thể, cấp bách và lâu dài như sau:
Thứ nhất, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh quốc gia, mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức QLTT cần nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số, phát huy những ưu điểm và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; xác định chuyển đổi số là một xu hướng tất yêu vừa là cơ hội thúc đẩy phát triển, vừa là thách thức cần phải được nhận diện đúng để áp dụng trong các hoạt động chuyên môn, công vụ. Mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức cần xác định máy tính, thiết bị di động thông minh chính là phương tiện lao động gắn liền với các hoạt động chuyên môn, công vụ trong tiến trình chuyển đổi số. Đây cũng là công cụ quan trọng có thể góp phần đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, môi trường điện tử; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh quốc gia.
Thứ hai, xây dựng và từng bước triển khai hệ thống quản lý không gian mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xác định các thông tin sai lệch, xuyên tạc, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ; Coi mạng xã hội, các nền tảng xã hội là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời xử lý đối với các trường hợp kinh doanh bất hợp pháp, bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số, xử lý các sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho toàn lực lượng QLTT, thống nhất từ Trung ương tới lực lượng QLTT tại các địa phương.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, xây dựng lập trường, tư tưởng chính trị kiên định, vững vàng cho các cán bộ, công chức lực lượng QLTT nâng cao tính tự giác, khả năng “miễn dịch” trước quan điểm sai trái trên không gian mạng. Giáo dục bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Kịp thời thông tin có định hướng các sự kiện, vấn đề nảy sinh; chỉ rõ dấu hiệu nhận biết chiêu trò mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng. Từ đó, giúp cán bộ, công chức QLTT nâng cao cảnh giác, không dao động trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của chúng, đề cao trách nhiệm, tính tự giác trong đấu tranh, phản bác quan điểm, sai trái, thù địch.
Thứ tư, phát huy vai trò của cấp ủy, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức QLTT trong đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Khuyến khích các cán bộ, Đảng viên, công chức QLTT tham gia viết bài đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên các báo, tạp chí, trên mạng xã hội, trên facebook cá nhân và trên tất cả các kênh truyền thông mà mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức QLTT tiếp cận. Đồng thời, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc chia sẻ thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”.
Thứ năm, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các vấn đề xã hội, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực QLTT nhằm tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh trên Internet, mạng xã hội. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, không tạo “khoảng trống” để các thế lực thù địch chống phá, tạo dư luận không tốt liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương nói chung và lực lượng QLTT nói riêng.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ đấu tranh trên Internet, mạng xã hội; tăng cường trao đổi kinh nghiệm đấu tranh giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng QLTT. Các cơ quan, đơn vị kỹ thuật chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu, khai thác hiệu quả các phần mềm kiểm soát, phân loại thông tin trên mạng xã hội. Tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ truyền thông; đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc tham gia đấu tranh trên Internet, mạng xã hội; kịp thời bóc gỡ thông tin xấu độc không để cán bộ, đảng viên, công chức nói chung, trong lực lượng QLTT nói riêng và nhân dân tiếp cận được với thông tin này. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trao đổi thông tin, kinh nghiệm hay, cách làm mới, hiệu quả trong đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch liên quan đến ngành Công Thương, lực lượng QLTT, qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tổng cục QLTT là một trong 28 đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam. Lực lượng QLTT hiện có trên 6.000 công chức, người lao động, có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Do vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức QLTT vừa phải làm tốt công tác chuyên muôn, vừa phải không ngừng nâng cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình. Trong quá trình thực thi công vụ, cần tăng cường đưa những thông tin tốt, tích cực, những tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho giá trị, mục tiêu mà Đảng ta, Nhân dân ta lựa chọn. Phải có cơ chế để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân, đặc biệt đối với những thông tin liên quan đến vấn đề hoạch định và thực thi chính sách của ngành Công Thương cũng như toàn lực lượng QLTT.