Xúc tiến thương mại: Tạo đầu ra ổn định cho nông sản Đắk Nông Điểm sáng xuất khẩu nông sản Đắk Nông |
Tiếp tục triển khai các hoạt động Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông và nền tảng mạng xã hội Tiktok tổ chức “Khoá tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã” với sự tham gia của hơn 50 học viên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc, thành viên các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Khoá tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã” tại Đắk Nông |
“Khoá tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã” tại Đắk Nông được Cục Xúc tiến thương mại tập trung huấn luyện theo phương thức “học đi đôi với hành”, học kết hợp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu thông tin sản phẩm, kế hoạch sản xuất, thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, chất lượng, khung giá bán, bảng phân loại sản phẩm và thời điểm thu hoạch. Đặc biệt, tại khoá huấn luyện, các học viên được thực hành kỹ năng Livestream bán sản phẩm của mình, giảng viên của nền tảng xã hội TikTok Việt Nam trực tiếp hướng dẫn.
Nhằm tăng tính hiệu quả cho khóa tập huấn, nội dung được thiết kế bài bản và khoa học, tập trung vào từng chủ đề cụ thể: Hướng dẫn và hỗ trợ học viên tự triển khai các hoạt động bán hàng trên nền tảng số từ khâu chuẩn bị, tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream.
Thông qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ từng bước xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu sản phẩm tiềm năng của mình, tổ chức sản xuất, cung ứng các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Từ đó, nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Học viên thực hành Livestream bán hàng tại khóa tập huấn |
Đắk Nông có mạng lưới sông suối, hồ, đập phân bố tương đối đều khắp, với tài nguyên đất đai, Đắk Nông rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài như: Cà phê, cao su, chè, tiêu, điều trên nền đất xám, đất đỏ bazan. Đồng thời rất thích hợp cho phát triển một diện tích lớn cây hàng năm như lúa, ngô và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác trên đất đen bồi tụ, đất phù sa ven sông, suối.
Là địa phương có tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, tạo được thương hiệu trên thị trường như: Cafe, hạt tiêu, bơ, xoài, sầu riêng, mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, … Vì thế, theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các nền tảng số tại thời điểm hiện nay là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ mở rộng thị trường đặc biệt là mở ra một phương thức bán hàng mới hiện đại và bền vững, tránh phụ thuộc vào thương lái cũng như ùn ứ nông sản khi vào cao điểm mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Thành Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, khóa tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở từng bước hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu và tham gia vào Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Theo đó, hoạt động tư vấn, đào tạo hướng tới cá mục tiêu cụ thể gồm từng bước hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử thông qua phương thức livestream bán hàng trên nền tảng tiktok và các ứng dụng khác.