Nỗ lực về đích năm 2021 với mục tiêu GRDP tăng 1,59%
Bước qua năm 2020 kinh tế tăng trưởng âm, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP 2021 sẽ tăng 6% so với năm 2021.
Nhờ những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2021, GRDP thành phố đã tăng trưởng 4,99%, các ngành kinh tế chủ lực lần lượt có dấu hiệu phục hồi tích cực rõ nét. Tuy nhiên, dịch Covid – 19 tái bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp với hơn 4.000 ca mắc chỉ trong chưa đầy 3 tháng (từ tháng 7 - tháng 9/2021) đã kéo kinh tế Đà Nẵng liên tục tụt giảm. Việc áp dụng các quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid - 19 nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, nhất là trong giai đoạn tháng 8 đã làm cho một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, ổn định là điểm sáng nhất của kinh tế TP. Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2021 |
Theo UBND TP. Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2021, so với năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 4,16%, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 31,3%, thu hút đầu tư trong nước và FDI đều giảm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và tổng vốn điều lệ. Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND thành phố giao (giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 40,7%).Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ và xuất khẩu vẫn được duy trì ổn định đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 14,9%. Trong đó, xuất khẩu phần mềm ước đạt 65,5 triệu USD, tăng 8,6%.
Trước tình hình thực tế về sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch, TP. Đà Nẵng buộc phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2021. Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết thành phố phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020, giảm mạnh so với mục tiêu ban đầu (theo Nghị quyết HĐND) là 6%; các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán HĐND thành phố giao.
3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh, trên cơ sở ước thực hiện năm 2021, TP. TP. Đà Nẵng xây dựng 03 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 03 cấp độ Thấp, Trung bình và Cao, trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ; khu vực nông, lâm, thủy sản cơ bản duy trì như nhưng năm trước.
Mức tăng trưởng kinh tế TP. Đà Nẵng năm 2022 sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình dịch bệnh Covid - 19 và khả năng triển khai, phát huy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi các ngành kinh tế |
Cụ thể, kịch bản Thấp sẽ là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.
TP. Đà Nẵng hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine ngừa Covid – 19 cho 100% người dân trên 18 tuổi đang sinh sống và làm việc tại thành phố. Việc tiêm vaccine có ý nghĩa quan trọng để triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 95% vào cuối tháng 9/2021, 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021; khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) thì khả năng thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản Trung bình với chỉ số kinh tế cơ bản GRDP năm 2022 tăng 5,75 so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%. Một số ngành phục hồi và có mức tăng trưởng mạnh là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 20,2), thông tin và truyền thông (tăng 18,9%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (tăng 17,2%), bán buôn, bán lẻ (tăng 16,8%), giáo dục và đào tạo (tăng 16,7%); một số ngành phục hồi nhưng chưa trở lại tương đương với năm 2019 là công nghiệp chế biến, chế tạo (93,4%), xây dựng (98,5%), vận tải kho bãi (94,51%), lưu trú và ăn uống (57%).
Ở trường hợp tốt nhất tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.
“Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế cấp 1 chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của thành phố như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống… sẽ được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019 thì khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản Cao”, ông Minh nói.