Đà Nẵng nới lỏng nhiều hoạt động, sống chung với dịch bệnh Đà Nẵng: “Sức khỏe” của doanh nghiệp quyết định sự phục hồi của nền kinh tế |
Thiếu thông tin chính thống về triển khai các biện pháp chống dịch theo thực tiễn
Sau gần 4 tháng duy trì sản xuất trong trạng thái “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, đặc biệt là trong cao điểm TP. Đà Nẵng siết chặt chống dịch, yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện “3 tại chỗ” cùng với việc “đóng băng” di chuyển, nhiều doanh nghiệp FDI tại TP. Đà Nẵng cho biết đang đối mặt với nhiều khó khăn như vận chuyển hàng hóa, khó tuyển dụng, chi phí “3 tại chỗ”… nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ đóng cửa.
Doanh nghiệp FDI tại TP. Đà Nẵng đang còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin cập nhật về tình hình phòng chống dịch Covid -19 của thành phố |
Theo ông Ikeda Naoatsu – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng (JCCID), các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng đánh giá cao những chính sách phòng chống dịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp của TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, các chính sách siết chặt này hiện đang gây rất nhiều khó khăn cho việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tai Đà Nẵng đã bị những khó khăn về vận chuyển, lưu thông hàng hóa gây gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến mất khách hàng, từ đó mất người lao động. Thu nhập của nhiều nhân viên ở một số doanh nghiệp giảm sút đáng kể. Chính bản thân các doanh nghiệp đó cũng không biết có thể khôi phục lại bình thường được hay không”, ông Ikeda Naoatsu thông tin.
Đáng chú ý, theo nhiều doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân “góp phần” tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp chính là thiếu thông tin kịp thời, cập nhật về các biện pháp chống dịch của chính quyền thành phố.
Ông Chris Vanloon – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam - Chi hội Đà Nẵng cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất bị động trong việc tiếp cận các văn bản phòng chống dịch của TP. Đà Nẵng do bất đồng ngôn ngữ. “Hiện nay chưa có kênh thông tin chính thống nào để các doanh nghiệp FDI như doanh nghiệp Hoa Kỳ cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo về các biện pháp phòng chống dịch cấp bách hay các hướng dẫn phòng chống dịch”, ông Chris Vanloon chia sẻ.
Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Nhật Hòa – Giám đốc hành chính Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Silver Shores cho rằng TP. Đà Nẵng cần có kênh thông tin truyền tải quy định về phòng chống dịch bằng nhiều ngôn ngữ để doanh nghiệp nắm bắt thông tin. “Thông tin hiện nhiều nguồn nên khó cho doanh nghiệp phân biệt, chọn lọc”, ông Hòa nói.
“Qua nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp, đối tác Hà Lan, các doanh nghiệp này cho rằng TP. Đà Nẵng hiện còn thiếu thông tin về phòng chống dịch, thiếu thông tin liên lạc với những đơn vị Sở, ngành khi cần thực hiện các giấy tờ khác nhau để phòng chống dịch”, ông Nguyễn Thanh Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho hay.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, công tác thông tin cập nhật đến doanh nghiệp FDI còn chưa kịp thời do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các biện pháp chống dịch cấp bách triển khai nhanh, gấp gáp |
Sẽ điều chỉnh và thông tin kịp thời kế hoạch phòng chống dịch bằng các thứ tiếng phổ biến
Theo ông Akihiko Takase –Tổng Giám đốc Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, việc doanh nghiệp FDI chủ động tiếp cận và cập nhật kịp thời thông tin về các biện pháp phòng chống dịch của TP. Đà Nẵng là cần thiết để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạch định sản xuất kinh doanh, từ đó, doanh nghiệp mới có thể chủ động thích ứng vừa hoạt động vừa chống dịch hiệu quả. “Chúng tôi cần lên kế hoạch hoạt động sớm hơn ít nhất 2 tuần trước ngày hoạt động trở lại. Vì vậy, chúng tôi mong sẽ nhận được thông báo sớm nhất của thành phố để kịp thời chuẩn bị chu đáo trước khi mở cửa đón khách trở lại”, ông Akihiko Takase nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm vì chưa thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và các kế hoạch thực hiện biện pháp phòng chống dịch bằng nhiều ngôn ngữ đến cộng đồng người nước ngoài, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp FDI.
Theo ông Quảng, do dịch Covid – 19 tại TP. Đà Nẵng từ cuối tháng 7/2021 đến nay liên tục diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh (do chủng Delta gây ra) vì vậy thành phố phải áp dụng các biện pháp quyết liệt. “Thông tin từ lúc ban hành quyết định đến thời gian thực hiện có sự gấp gáp, vì vậy, thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp FDI có sự chậm chễ. Lãnh đạo thành phố nhận trách nhiệm và sẽ rút kinh nghiệm, sửa đổi”, ông Quảng nói, đồng thời giao Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng lưu ý chủ động cung cấp thông tin cập nhật về các kế hoạch phòng chống dịch của thành phố đến các doanh nghiệp FDI. Trước mắt thành phố sẽ sớm ban hành kế hoạch phòng chống dịch Covid – 19 trong tình hình mới và sẽ thông tin đầy đủ, kịp thời bằng các ngôn ngữ phổ biến để các doanh nghiệp FDI nắm và chủ động thực hiện.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định thành phố luôn tạo điều kiện tối đa để xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu doanh nghiệp có vướng mắc phản ánh thành phố sẽ lập tức giải quyết |
Đối với khó khăn trong công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Lãnh đạo thành phố biết rõ vai trò của lưu thông hàng hóa, vì vậy đã tạo điều kiện tối đa để xuất nhập khẩu hàng hóa. “Nếu doanh nghiệp có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến lưu thông hàng hóa thì doanh nghiệp phản ánh thành phố sẽ giải quyết ngay”, ông Quảng nhấn mạnh.