Đà Nẵng: Lao động ngoại tỉnh “ở không được, về không xong” do dịch Covid-19
Mất việc vì Covid-19
Cô Nguyễn Thị Cẩm (53 tuổi) là người Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam. Sau đợt dịch Covid-19 lần 1, cô Cẩm xin được công việc rửa bát thuê cho một quán ăn trên địa bàn TP. Đà Nẵng được hơn 2 tháng, với mức thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng. Dịch Covid-19 tái bùng phát, Đà Nẵng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hàng quán buộc phải đóng cửa, một lần nữa, cô Cẩm mất việc.
Xóm trọ 72/7 Hàm Nghi (Thanh Khê, Đà Nẵng) là nơi ở của nhiều lao động ngoại tỉnh mất việc do dịch Covid - 19 |
BRíu Nối (22 tuổi) cũng là người Quảng Nam. Giữa tháng 7/2020, BRíu Nối cùng em gái từ quê Axan, Tây Giang xuống Đà Nẵng tìm việc. BRíu Nối được nhận vào làm phụ hồ cho một công trình xây dựng, em gái xin được phụ việc cho quán ăn. Cuối tháng 7, Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19, hai anh em cùng mất việc. Hai anh em chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên.
Cô Cẩm, hai anh em BRíu Nối là điển hình cụ thể cho hàng chục nghìn lao động ngoại tỉnh làm việc tự do tại TP. Đà Nẵng bị mất việc do Covid-19 tái bùng phát.
Thống kê sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Đà Nẵng, hiện có khoảng 16 nghìn người ngoại tỉnh mắc kẹt tại TP. Đà Nẵng. Hơn 50% trong số đó là lao động tự do bị mất việc do dịch Covid-19. Họ là những lao động làm thuê cho các công trình, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống…. Họ đều không phải là lao động chính thức, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm. Vì vậy, khi nghỉ việc, họ cũng không có phúc lợi xã hội đi kèm.
Mất việc, tài sản không có gì ngoài chiếc xe đạp cũ, cô Cẩm chuyển sang đi mua ve chai. “Dịch thành phố cấm buôn bán, nên đi lượm ve chai mỗi ngày chỉ được chừng vài ba chục nghìn, cố gắng sống tạm bợ qua ngày”, cô Cẩm nói. Xóm trọ tại kiệt 72/7 Hàm Nghi có tới 8 người như cô Cẩm: không việc làm, không thu nhập, không về quê được.
BRíu Nối may mắn hơn, chủ công trình tạm ứng cho em 1 triệu để trang trải. Hai anh em chi tiêu tiết kiệm để không bị đói. Ngày 20/8, Đà Nẵng có chủ trương sẽ cho một số công trình xây dựng hoạt động thi công trở lại, hi vọng được đi làm trở lại được “nhen nhóm” với BRíu Nối.
Hội Sông Lam tại Đà Nẵng hỗ trợ người lao động là người Nghệ An, Hà Tĩnh mất việc, mắc kẹt tại TP. Đà Nẵng |
Được tạo điều kiện để về nhưng cũng không về
Ngày 22/8, TP. Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi bố trí 29 xe để đưa người dân Quảng Ngãi mắc kẹt lại TP. Đà Nẵng về địa phương. Theo khảo sát, có hơn 1.000 người dân có nguyện vọng trở về địa phương, nhưng đến lúc đăng ký chỉ có hơn 700 người. Và đến ngày 22/8, chỉ có chưa đến 400 người có mặt tại vị trí tập trung để lên xe về Quảng Ngãi. Như vậy, có rất nhiều người biết nhưng không lên xe về quê.
Cô Nguyễn Thị Cẩm cho biết, cô cùng 7 người đồng hương cũng ở Quảng Nam cùng trọ gần nhau, dù mất việc, sống tạm bợ nhưng cô không có ý trở về quê. “Ở đây rồi họ khống chế được dịch, kiếm việc làm để làm cho có thu nhập mới có tiền gửi về cho con cái ăn học. Không phải là không muốn về quê mình, nhưng về quê, rồi lấy gì mà ăn”, cô Cẩm nói.
Tương tự, BRíu Nối có hi vọng đi làm trở lại do công trình hoạt động, nhưng em gái BRíu Nối thì vẫn không có việc, nhưng không về quê, mà đợi Đà Nẵng khống chế được dịch để tiếp tục tìm việc làm. Nhiều người bạn của BRíu Nối cũng đang bị mắc kẹt do dịch và khó khăn để đảm bảo lương thực, thực phẩm nhưng vẫn chưa có ý định sẽ về quê.
Còn A Lăng Thị Lét (19 tuổi) và 2 bạn cùng ở xã A Nông, Tây Giang thì trong hoàn cảnh “dở khóc” khi giữa tháng rủ nhau xuống Đà Nẵng xin làm công nhân ở các khu công nghiệp nhưng chưa được nhận thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. “Chưa có việc, ba đứa chúng em cùng thuê chung 1 phòng trọ ở lại. Mong cho Đà Nẵng mau hết dịch để có cơ hội có việc làm, chứ giờ về nhà cũng không có công việc”, A Lăng Thị Lét chia sẻ.
Chỉ có gần 400 người lên xe về Quảng Ngãi, hơn 50% còn lại chọn ở lại Đà Nẵng không về (Ảnh: Kiểm tra thân nhiệt cho người dân trước khi lên xe về Quảng Ngãi hôm 22/8) |
Tiếp tục tổ chức đưa người có nhu cầu về địa phương, hỗ trợ người ở lại
Nhiều tổ chức, nhà hảo tâm, đơn vị từ thiện đã tìm đến hỗ trợ nhiều trường hợp lao động tự do ngoại tỉnh mất việc gặp khó khăn do dịch Covid-19, tuy nhiên, số lượng cần hỗ trợ là rất nhiều.
Nhiều lao động mong muốn trở về quê hương đến hết dịch mới vào xin việc. TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi các địa phương có lao động làm việc tại thành phố có kế hoạch đón công dân từ Đà Nẵng trở về. Hiện đã có tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Ngãi chủ động thực hiện công tác này. Tỉnh Quảng Trị cũng đã có kế hoạch để đón công dân trở về.
TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị bố trí 2 tuyến tàu xuất phát từ ga Đà Nẵng đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đưa khoảng 10.000 người dân là học sinh, sinh viên, người dân TP. Đà Nẵng đến học tập, làm việc tại các địa phương khác; hoặc sinh viên, người dân ngoại tỉnh mắc kẹt tại Đà Nẵng do dịch Covid – 19 trở về địa phương (có dừng ở các ga địa phương theo quy định).
Đối với những lao động ở lại không về, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ. Tuy nhiên, do các lao động này không có hợp đồng lao động, không chịu các ràng buộc theo Luật Lao động nên lực lượng chức năng gặp khó trong việc nắm danh sách để lên phương án hỗ trợ.
Trước mắt, TP. Đà Nẵng đã có hoạt động thi công lại các công trình lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động công trình.
Các lao động chưa có việc làm, nhưng không về quê gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, TP. Đà Nẵng đã giao cho các tổ dân phố, khu phố nắm danh sách báo cáo cho phường để có kế hoạch hỗ trợ gạo, thực phẩm thiết yếu. Sở cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp hỗ trợ cho các lao động bị mất việc để người lao động có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.