Phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra tại Italia, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua ngành dịch vụ logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ USD năm 2017 lên 681,1 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2023.
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - châu Âu (bao gồm cả EU và ngoài EU) đạt 71,15 tỷ USD, giảm xấp xỉ 4,4% so với năm 2022 (74,28 tỷ). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt 52,22 tỷ USD, giảm 4,7%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ châu Âu đạt 18,93 tỷ USD, giảm 2,7%.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu |
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất hàng hóa phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù vậy, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại nhưng liên tục gặp khó khăn với tình hình bất ổn trên Biển Đỏ, chiến tranh Nga - Ucraina, quan hệ căng thẳng Israel - Iran lan rộng trong khu vực Trung Đông và một số yếu tố bất ổn khó lường khác đã làm cho cước và phụ phí hàng hải tăng phi mã, tình trạng thiếu công-ten-nơ rỗng và tình trạng tắc nghẽn ở một số cảng trung chuyển quốc tế lớn thực sự cần những giải pháp hỗ trợ trúng đích, thiết thực để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động logistics của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh này, để giảm tác động tiêu cực của tình hình địa chính trị bất ổn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa từ Việt Nam đi EU nhằm duy trì chuỗi cung ứng bền vững, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đã gợi mở một số giải pháp, như sau:
Một là, ổn định giá cước vận chuyển và phụ phí hàng hải
Các hãng tàu nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về niêm yết, công khai giá cước vận chuyển. Không áp đặt các loại phí, phụ thu không có cơ sở, với mức thu quá cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển tuân thủ quy định.
Tăng cường quản lý hoạt động cảng biển, vận tải biển, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giai đoạn giá cước tăng cao. Tích cực làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Logistics, Hiệp hội chủ hàng, Hiệp hội chủ tàu nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Hai là, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế
Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, ví dụ tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Nga, Belarus đến Châu Âu. Hoặc xem xét tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
Ba là, tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA
Việt Nam với đường lối đối ngoại đa phương, rộng mở, đang trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của thế giới với 17 FTA đang được thực thi, trong đó có EVFTA, UKVFTA. Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng các ưu đãi các FTA còn chưa tương xứng với tiềm năng, việc đẩy mạnh đa dạng nguồn cung ứng ưu tiên từ các nước đối tác chung FTA, chung Điều ước quốc tế là rất quan trọng. Các Bộ, ban, ngành cần tăng cường cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tăng cường tạo thuận lợi thương mại nâng cao tỷ lệ tận dụng các FTA trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam với Châu Âu. Tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo tuyên truyền và phổ biến những ưu đãi liên quan đến EVFTA và VUKFTA.
Bốn là, giải quyết tồn đọng hàng hóa, thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Công tác xử lý hàng hoá tồn đọng để giải phóng kho bãi cho các cảng biển là tồn tại kéo dài, việc bố trí kinh phí xử lý hàng hoá tồn đọng gặp nhiều khó khăn, thủ tục kéo dài và không được bố trí nguồn kinh phí thường xuyên. Cần đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng, đồng thời bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp cảng tạm ứng nguồn kinh phí để xử lý hàng hoá tồn đọng tại cảng và được thu hồi sau khi hoàn tất việc bán thanh lý hàng hoá tồn đọng.
Năm là, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tăng cường tuyên truyền và cải thiện nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hoá đường biển đi qua tuyến đường chịu ảnh hưởng do các sự cố phức tạp, khó lường hiện nay.
Sáu là, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh
Các Cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội và các Doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai.
Phát triển các kế hoạch ứng phó khẩn cấp, đa dạng hóa nguồn cung ứng và lộ trình vận tải để giảm thiểu rủi ro. Xây dựng Chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu cho nền kinh tế theo từng ngành, lĩnh vực; từng bước xoá bỏ tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường, nhằm duy trì sản xuất khi diễn ra đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị.
Bảy là, cải tiến cơ chế quản lý giá và phụ thu cảng biển nhằm tăng cường cơ chế quản lý giá các loại phụ thu tại cảng biển Việt Nam.
Tám là, điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực khi có sự điều chỉnh nội hàm của tự do kinh tế, toàn cầu hoá, chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và những bất định khó lường diễn ra với tần xuất dày hơn.
Đồng thời cần xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế, nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tầu vận tải biển có đủ năng lực tham gia được phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.
Chín là, hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác châu Âu để chia sẻ thông tin và công nghệ, đồng thời cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn và quy định bền vững.
Xây dựng một đội ngũ chuyên gia về tuân thủ quy định và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn. Tăng cường thỏa thuận hợp tác quốc tế đối với các tổ chức chứng nhận, công nhận và tư vấn về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mười là, ứng dụng công nghệ cao
Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để dự đoán và quản lý rủi ro trong chuỗi cung ứng. Hỗ trợ tài chính và cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới.
Hỗ trợ tài chính và cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới.
Mười một là phát triển hạ tầng xanh
Xây dựng các cơ sở hạ tầng xanh như các kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống tái chế nước và quản lý chất thải hiệu quả.
Mười hai là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện nền tảng về vật chất và lực lượng lao động để đón đầu, tham gia và phát triển các loại hình và sản phẩm dịch vụ mới trong xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư vào đào tạo nhân viên về quản lý chuỗi cung ứng bền vững và các kỹ năng công nghệ để tăng cường hiệu quả và bền vững.
Hỗ trợ tài chính và cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới.
Bằng cách giải quyết các thách thức này một cách chiến lược và hiệu quả, việc xây dựng chuỗi cung ứng và logistics bền vững trong xuất nhập khẩu hàng hóa với khu vực châu Âu sẽ trở nên khả thi hơn và góp phần vào sự phát triển bền vững toàn cầu.