Dự án Eco-Fair góp phần tích cực giảm phát thải cacbon thông qua hệ thống thực phẩm bền vững ở Việt Nam Thiếu nước và năng lượng làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực toàn cầu |
Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững có chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới" sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/4.
Họp báo |
Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu trong đó, khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, hội nghị lần này sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và đề xuất các giải pháp, tập trung vào bốn vấn đề sau: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, hiện ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.
Kế hoạch hành động đề cập tới hợp tác đa ngành, đa cấp và đưa ra các nhiệm vụ, hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.
Việc đăng cai Hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề lương thực toàn cầu là vấn đề lớn. Hiện tại, vấn đề không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà “ăn cũng phải có trách nhiệm”.
Hội nghị này diễn ra nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị toàn cầu lần thứ 4, Ban tổ chức mong muốn liên kết các quốc gia, không chỉ trên lý thuyết mà còn là những cam kết cụ thể bằng hành động.
“Không quốc gia nào có thể tự giải quyết được những vấn đề này. Do đó, các quốc gia phải liên kết và có sự hỗ trợ lẫn nhau, trên cả hợp tác đa phương lẫn song phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong dòng chảy ấy, Việt Nam với tư cách là nước đăng cai, kỳ vọng trở thành nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, cũng như đáp ứng được yêu cầu từ EU về việc xuất khẩu cà phê nhưng không làm giảm suy thoái rừng.
Về vấn đề cụ thể là xuất khẩu gạo, Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường gạo, bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, các nước châu Phi thông qua các cuộc gặp song phương. Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn muốn truyền tải thông điệp “sẵn sàng” của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội nghị tổ chức tại Việt Nam là lần thứ 4 Hội nghị cấp Bộ trưởng được tổ chức. Lần đầu tiên, hội nghị được tổ chức vào năm 2017 tại Nam Phi; lần 2 năm 2019 tại Costa Rica; lần 3 năm 2021 được tổ chức trực tuyến.
- 9 phiên họp chính thức sẽ diễn ra từ 24 – 27/4; 10 phiên họp kỹ thuật bên lề đồng thời vào chiều 25/4/2023; 1 ngày họp của Ban Cố vấn Đa bên vào chiều ngày 27/4 và sáng ngày 28/4/2023 tại Khách sạn Sheraton Hà Nội. -1/2 ngày cho phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều ngày 25/4/ tại Khách sạn Inter Continental Hà Nội. - 1/2 ngày tham quan thực địa vào sáng ngày 26/4/2023 (chia làm 5 nhóm thực địa tại Thái Nguyên và Hà Nội). - Đêm hội Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn diễn ra vào tối 26/4/2023. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan tổ chức 3 phiên họp bên lề về An toàn thực phẩm trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và các chiến lược tại địa phương để duy trì hệ thống lương thực thực phẩm nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn dinh dưỡng của hộ gia đình tại Việt Nam. Làm thế nào để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ lý thuyết sang chính sách: trường hợp của Việt Nam. Khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.
|