Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh có bài viết “Thương hiệu không phải là tạo ra tên đẹp rồi khoe”. Bài báo dẫn lời của PGS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua. “Xây dựng thương hiệu không phải là tạo ra một cái logo, một cái tên đẹp rồi đi quảng bá, khoe khoang. Xây dựng thương hiệu là tạo dựng uy tín và có được lòng tin của người tiêu dùng”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn báo cáo từ hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance cho biết: Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD.
Con số này vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp. “Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới” - bài báo nêu.
Về chủ đề xuất nhập khẩu, báo Nông nghiệp Việt Nam có bài “Hạt điều Việt Nam chiếm 90% thị phần ở Anh”. Tác giả bài báo viết hạt điều Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Anh tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay và chiếm thị phần áp đảo tại thị trường này và dẫn số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 2 tháng đầu năm 2022, Anh nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 3,41 nghìn tấn, trị giá 22,53 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng từ 78,72% trong 2 tháng đầu năm 2021 lên 90,95% trong 2 tháng đầu năm 2022.
“Nâng cao khả năng nhận diện hàng thật - giả cho người tiêu dùng” là bài viết được đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam. Nội dung bài báo đưa: Từ nay đến 27/4/2022, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả với chủ đề “Quản lý thị trường đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng”, tại 62 Tràng Tiền, Hàng Bài, Hà Nội.
Tại phòng trưng bày, ngoài sản phẩm do các doanh nghiệp cung cấp thì các sản phẩm vi phạm được nhiều Cục quản lý thị trường địa phương thu giữ, xử lý thời gian qua cũng có mặt, như thuốc lá lậu, thuốc lá giả; mỹ phẩm, nước hoa, khẩu trang, kit test nhanh Covid-19... là hàng lậu, không rõ nguồn gốc.
Báo điện tử Nhà báo và Công luận đưa bài “Kon Tum: Nhường đất làm thủy điện, nông dân mòn mỏi chờ tiền đền bù” nội dung bài báo đưa gần 10 năm nay, nhiều hộ dân ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn mòn mỏi chờ đợi khoản tiền đền bù từ Dự án Thủy điện Đăk Đrinh. Không đất sản xuất, không tiền làm ăn, nhiều hộ đành quay lại làng cũ sinh sống, phó mặc nguy hiểm khi mùa mưa bão đang cận kề...
Theo ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, nội dung liên quan đến việc phát sinh thêm về kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định canh, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Đăk Đrinh, UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo đề xuất với Bộ Công Thương, các Bộ ngành Trung ương có liên quan và Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, theo quy định pháp luật.
Văn phòng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và đơn vị Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh rà soát, kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật. Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Kon Plông và Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăk Đrinh triển khai thực hiện theo quy định.