Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/4: Tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Công Thương và công luận 22/04/2022 11:17
Báo An ninh Thủ đô đăng bài “Bộ Công Thương tính toán điều chỉnh phương án cung ứng xăng dầu trong tình hình mới”.
Bài báo dẫn thông tin, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II-2022, để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu cho phù hợp tình hình.
Theo đó, trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Cũng về năng lượng, Báo điện tử Bnews của Thông tấn xã Việt Nam lại đưa về một vấn đề nóng khác của ngành Công Thương là Quy hoạch điện VIII với bài báo “Đa dạng nguồn năng lượng: Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi”
Nội dung bài báo viết, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây của Bộ Công Thương trình Chính phủ, ngành điện đặt ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện gió ngoài khơi phát triển.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/4: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu tiếp tục "nóng" |
Nhiều đánh giá của tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.
Ngoài năng lượng, thị trường xuất nhập khẩu luôn là chủ đề được “phủ sóng” rộng trên các mặt báo. Báo điện tử VTV có bài “Thị trường gạo xuất khẩu sôi động trở lại”.
Nội dung bài báo viết, Thời điểm này, tại Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, vụ lúa Đông Xuân đang dần kết thúc, cùng với đó hoạt động thu mua tích trữ lúa của doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã hoàn thành. Đặc biệt hoạt động xuất khẩu gạo 2 tuần trở lại đây đang có dấu hiệu sôi động hơn, giá xuất khẩu cũng đang ngưỡng cao trong vòng hơn 3 tháng qua.
Theo Bộ Công Thương, sau khi các doanh nghiệp đưa được thương hiệu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới, điều quan trọng phải giữ được tính ổn định về cả chất lượng, giá cả và tuân thủ cam kết thời gian giao hàng.
Trong lĩnh vực pháp luật, Báo điện tử Chính phủ có bài “Đề xuất quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp”. Nội dung bài báo viết, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, Dự thảo bổ sung: Quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức bán hàng đa cấp cho người đại diện tại địa phương với 2 phương án: Phương án 1: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức đợt kiểm tra kiến thức cho người đại diện tại địa phương; Phương án 2: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Sở Công Thương tổ chức đợt kiểm tra kiến thức cho người đại diện tại địa phương.