Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 20/4: Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục gia tăng trên trường quốc tế
Báo điện tử VietnamPlus có bài “Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục gia tăng trên trường quốc tế”. Nội dung bài báo viết, Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 với chủ đề “Nâng tầm vị thế - chắp cánh bay xa” diễn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình chính trị bất ổn đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi kinh tế đất nước, qua đó nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế, ghi tên Việt Nam vào nhóm quốc gia có thương hiệu mạnh.
Bài báo cũng dẫn số liệu, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam duy trì thứ hạng 33 trong top 100 thương hiệu mạnh thế giới, đạt 388 tỷ USD giá trị thương hiệu - tăng 21,69% so với năm 2020.
Ngoài thương mại, các đề tài về thị trường - pháp luật cũng được nhiều cơ quan báo chí truyền thông quan tâm. Trong đó, có bài “Xử lý thực phẩm chức năng 'nổ' như thần dược” đăng trên báo Tuổi trẻ.
Tác giả bài báo viết, về tình trạng nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo như thần dược, tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các bộ ngành, các tỉnh thành, thống nhất cần có các biện pháp mạnh tay hơn xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, y học cổ truyền như thần dược.
Theo đó, Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên sàn giao dịch thương mại điện tử, công ty đa cấp, giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.
Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo "nổ" cho thực phẩm chức năng. Đây là lần đầu tiên việc quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược được đề nghị xử lý ở cấp độ liên ngành.
Cũng về đề tài thị trường, báo điện tử VTV có bài viết về mặt hàng “nóng” ngành Công Thương “Ngày mai, giá xăng có thể tăng hơn 1.000 đồng mỗi lít”. Bài báo dẫn Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/4 với RON 92 là 114,59 USD một thùng, RON 95 là 126,13 USD một thùng, tăng so với đợt điều chỉnh trước đó. Trong khi, giá dầu có lúc tăng lên 145 USD một thùng.
Dưới xu hướng tăng giá trên, lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở TP Hồ Chí Minh cho biết trong kỳ điều chỉnh theo chu kỳ vào ngày mai (21/4), giá xăng có thể được điều chỉnh tăng quanh mức 800-1.100 đồng/lít, còn giá dầu có thể cộng thêm 1.300 đồng/lít.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, báo Kinh tế và đô thị có bài “Linh kiện điện thoại là mặt hàng xuất khẩu trọng yếu”. Bài báo dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan: Trong quý I/2022 nhóm hàng linh kiện điện thoại có mức tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn với mức tăng 1,22 tỷ USD.
Còn theo Bộ Công Thương, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam qua từng năm. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ năm 2010 chỉ đạt 2,3 tỷ USD. Năm 2015, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt tới 30,2 tỷ USD.
Tính đến hết năm 2021, các thị trường chính xuất khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta gồm có: Hoa Kỳ, Khối EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE. Tỷ trọng xuất khẩu sang 5 thị trường chính này đã chiếm tới trên 70,54% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.