Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 19/4: Quy hoạch điện VIII được quan tâm đặc biệt Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 20/4: Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục gia tăng trên trường quốc tế |
Trong lĩnh vực năng lượng, Quy hoạch điện VIII hiện là vấn đề được quan tâm, phản ánh. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh qua bài viết “Bổ sung nguồn cần tính toán tổng hoà cân bằng phụ tải”.
Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, với sự yếu kém của hạ tầng truyền tải điện thì pin lưu trữ là một giải pháp có thể xem xét trong phạm vi khoảng 5 năm hoặc 10 năm và sau đó sẽ cần có những giải pháp tiếp theo cho loại hình này. Về vấn đề này, cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết, cụ thể và theo đó, Quy hoạch Điện VIII cũng cần giải quyết bài toán này một cách rõ ràng hơn.
Tiếp tục khai thác thông tin động đất ở Kon Tum, Báo Thanh niên có bài viết “ Động đất liên tục ở Kon Tum: Thấp thỏm sống gần thủy điện”. Bài viết có nêu, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, với thủy điện Thượng Kon Tum, Cục Điện lực có trách nhiệm theo dõi, đánh giá trong quá trình xây dựng. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp theo dõi, đánh giá trong quá trình vận hành. Còn việc an toàn trong quá trình thi công thì vẫn phải phối hợp với UBND tỉnh để kiểm tra.
Cũng nội dung này, Báo Nhân dân có bài viết “Khẩn trương ổn định đời sống người dân vùng động đất”. Bài viết đưa ra thông tin Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, các đơn vị khẩn trương ổn định đời sống người dân, tìm các giải pháp khắc phục và hạn chế thiệt hại do động đất gây ra đang là yêu cầu cấp bách đối với các bộ, ngành liên quan, nhất là chính quyền cơ sở.
Đưa ra thông tin xăng RON 97 mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, Báo Pháp luật và xã hội có bài viết “Thị trường xăng dầu Việt chính thức thêm loại xăng mới cực đắt”. Theo đó, loại xăng RON 97 phổ biến tại các nước châu Âu, chủ yếu dành cho xe sang đã chính thức về Việt Nam với giá khá cao, hiện ở mức 28.500 đồng/lít. So với xăng RON 95 có giá 27.310 đồng/lít, xăng RON 97 đắt hơn khoảng 1.200 đồng/lít.
Về giá xăng dầu, báo VTC News có bài “Hôm nay, giá xăng có thể tăng 800 - 1.000 đồng/lít”. Nội dung nêu, xu hướng giá xăng dầu thành phẩm đang tăng, dẫn đến kỳ điều hành vào ngày 21/4 sẽ phải tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Trường hợp không sử dụng quỹ BOG, giá xăng có thể tăng từ 800 - 1.000 đồng mỗi lít tùy loại.
Trong lĩnh vực thương mại, Báo Lao động cung cấp và dự báo thông tin về giá cà phê qua bài “Xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhưng dự báo nhiều áp lực cạnh tranh”. Cụ thể, quý 1, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng rất đáng phấn khởi vì suốt từ năm 2017 trở về trước người trồng phải chịu thua lỗ do giá cà phê rất “đen tối”.
Tuy nhiên trên thị trường thế giới, trong nửa đầu tháng 4/2022, giá cà phê robusta đã giảm do nguồn cung loại cà phê này tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5.2022.
Qua bài viết “Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỷ USD, xếp hạng 33 thế giới”, Báo Đầu tư đã đưa ra thông tin tích cực về giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam.Theo đó, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.