Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 19/4: Quy hoạch điện VIII được quan tâm đặc biệt
Công Thương và công luận 19/04/2022 10:47
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 17/4: Kỳ vọng giá xăng dầu “hạ nhiệt” Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 18/4: Xuất khẩu tăng mạnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Báo Lao động có bài: “Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII”. Bài báo trích dẫn thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Quy hoạch Điện VIII là vấn đề tiếp tục được dư luận quan tâm |
Thông báo kết luận nêu rõ: Hội nghị thống nhất cơ bản về dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW với cơ cấu các loại nguồn điện như báo cáo của Bộ Công Thương. Quy mô này đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
So với phương án Bộ Công Thương trình vào tháng 3/2021 thì tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500 kV, 220 kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến các địa phương tại hội nghị để hoàn thiện Quy hoạch điện 8, đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục thẩm định và trình duyệt.
Vấn đề này, trên Tin nhanh chứng khoán của báo Đầu tư có bài: “Soi cơ cấu nguồn điện trong tổng công suất 146.000 MW vào năm 2030”. Tin tức của TTX cũng đưa tin: “Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt”.
Cùng với quy hoạch điện, chuyển đổi số ngành logistics tiếp tục là vấn đề được dư luận quan tâm. Trên báo Đầu tư có bài viết: “Chuyển đổi số ngành logistics: Chìa khóa cạnh tranh trong thị trường 42 tỷ USD”.
Theo bài viết, hiệu quả của chuyển đổi số sẽ nâng cao năng suất lao động trong ngành dịch vụ logistics khoảng 30 - 35% tùy theo nền tảng số ứng dụng, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp trong ngành thực hiện chuyển đổi số. Những doanh nghiệp chậm chân sẽ rất bất lợi trong cuộc cạnh tranh sắp tới.
Nhận định của ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept, xu hướng thương mại điện tử, xu hướng tích hợp sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang logistics hiện đại.
Báo Tuổi trẻ số ra hôm nay lại có bài viết về xuất khẩu gạo đáng quan tâm: “Giá gạo xuất khẩu tăng: Vui nhưng chưa trọn”. Nội dung bài báo phản ánh, trong vòng 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn.
Giới chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo đang có những tín hiệu tích cực nhưng không nên vui mừng quá sớm, vì giá gạo Việt Nam vượt giá gạo Thái Lan khả năng chỉ duy trì được trong ngắn hạn và phần lớn chủng loại gạo có giá vượt Thái Lan là gạo thường, giá trị xuất khẩu khá thấp so với chủng loại gạo thơm.