Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/5: Cần chính sách đặc thù để phát triển ngành thép
Công Thương và công luận 10/05/2022 12:21
Liên quan đến ngành thép, báo Vietnamplus.vn có bài: “Cần chính sách đặc thù để phát triển ngành thép”. Bài báo cho biết, Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 2152/BCT-CN gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.” Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, cần có chính sách đặc thù để giúp phát triển hơn nữa ngành thép.
Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam được Bộ Công Thương nhìn nhận là khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường.
Để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, theo Bộ Công Thương, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.
Cùng nội dung này, báo Kinh tế đô thị có bài “Vì sao sức cạnh tranh của thép Việt vẫn thấp?”. Bài báo phân tích cụ thể, ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: Quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước điều chỉnh theo thị trường thế giới.
Tuy nhiên, bài báo cũng có kỳ vọng trong thời gian tới ngành thép sẽ có bứt phá khi thống kê dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.
Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Ngoài ra lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng được nhiều báo chí quan tâm, đưa tin. Cụ thể, báo Lao động nhấn mạnh: “Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2022”. Bài báo chỉ ra, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng; giá gạo giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.
Dự kiến đến năm 2030, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm từ 6-6,5 triệu tấn hiện nay xuống còn khoảng 4 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch hàng năm vẫn ổn định từ 3-3,5 tỉ USD.
Cũng liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, Báo Hải quan có bài “Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”. Bài báo nhấn mạnh, nhiều năm qua, Hoa Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt nền kinh tế lớn nhất thế giới là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính chung hết tháng 4, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 36,2 tỷ USD, tăng 20,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tổng thể, hiện nay Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (sau thị trường Trung Quốc). Năm 2021 lần đầu thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ cán mốc 100 tỷ USD (đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 96,29 tỷ USD).