Ký kết FTA Việt Nam - Israel: Bước nhảy vọt chiến lược và cánh cửa mở rộng thương mại Ký kết FTA Việt Nam - Israel là nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương |
Thưa ông, ngày 25/7/2023, FTA Việt Nam – Israel đã chính thức được ký kết, chỉ 3 tháng sau khi kết thúc đàm phán. Xin ông cho biết đánh giá về nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc nhanh chóng ký kết và đưa FTA này vào thực thi?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để Việt Nam có thể đàm phán, ký kết các FTA với rất nhiều đối tác mới, trong đó FTA với Israel là mới nhất. Đây là tín hiệu đáng mừng và là sự cố gắng lớn của Bộ Công Thương và của toàn ngành thương mại Việt Nam.
Đối với thị trường Israel, theo Thương vụ Việt Nam tại Israel thì Israel là thị trường không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, một năm vào khoảng 25 tỷ USD. Đây là tiềm năng rất lớn bởi nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu thì Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản… Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân nước này là 55.000 USD/năm, sức mua lớn.
Đối với quan hệ thương mại của Việt Nam và Israel, các đối tác của ta từ trước đến nay thường là sòng phẳng, làm ăn nghiêm túc.
Ngoài ra, hai nước có thể hỗ trợ nhau vấn đề hàng hóa, đầu tư công nghệ cao – đây là những lĩnh vực mà Israel rất có thế mạnh. Đây là điều kiện để ta bổ sung năng lực sản xuất trong nước.
Các mặt hàng tiêu dùng như da giày có tiềm năng lớn xuất khẩu sang Israel |
Đặc biệt, tiềm năng xuất nhập khẩu của Việt Nam - Israel còn rất lớn. Hiện xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt khoảng trên 2 tỷ USD và ta đang nhập siêu. Cho nên FTA Việt Nam - Israel là cơ hội để gia tăng kim ngạch thương mại và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.
Dù còn nhiều tiềm năng nhưng việc tận dụng các cơ hội từ một FTA mới được cho là không phải dễ dàng. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để khai thác hiệu quả nhất FTA này?
Tôi cho rằng các doanh nghiệp, dưới sự giúp đỡ của Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phải tìm hiểu thật kỹ về thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, Israel có một đặc điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý là có nhu cầu nhập các mặt hàng có thể đưa vào bếp ngay cho các bà nội trợ, tức là hàng hóa chế biến sâu.
Bên cạnh đó, thị trường này cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, có chất lượng. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiếp cận dần để có thể làm quen và chiếm lĩnh thị trường.
Đối với một thị trường xa như Israel, vấn đề thanh toán đòi hỏi các ngân hàng và cơ quan chức năng hai bên phải có sự vào cuộc để đảm bảo thanh toán an toàn, quay vòng vốn nhanh, giúp xuất nhập khẩu tăng tăng lên. Dự kiến 5 năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước có thể tăng lên và đạt từ 4-6 tỷ USD.
Cuối cùng là sự tín nhiệm về làm ăn, đây là điều quan trọng với bất cứ đối tác nào. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Israel ký FTA với đối tác ở ASEAN nên doanh nghiệp càng phải giữ chữ tín làm ăn ngay từ đầu. Chất lượng hàng hóa, thanh toán, giao nhận, giao ước trong hợp đồng cũng rất quan trọng.
Qua FTA này, ta vui mừng phấn khởi bao nhiêu thì càng phải chuẩn bị tốt bấy nhiêu. Vì bất cứ FTA nào cũng có những thách thức đòi hỏi phải vượt qua.
Bên cạnh quy mô thương mại quốc tế ngày càng được mở rộng, một thực tế hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều vụ lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế mà điển hình là vụ 100 container điều tại Italia năm ngoái hay vụ 5 container nông sản nghi bị lừa đảo tại UAE vừa qua. Trong bối cảnh FTA mới được ký kết, cơ hội tăng lên, rủi ro cũng sẽ có nguy cơ nhiều lên, theo ông, cần lưu ý điều gì để hạn chế tối đa những rủi ro kể trên?
Trong bối cảnh thương mại ngày càng được mở rộng, rủi ro trong giao thương là điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp để tìm kiếm các đối tác có uy tín. Khi đã ký kết FTA rồi thì việc hỗ trợ này càng phải được thực hiện tốt hơn. Những sự việc rủi ro như trên là không ai muốn và cũng không thể tránh được hoàn toàn. Cho nên việc phối hợp để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong quan hệ thương mại là rất quan trọng.
Israel là nước có công nghệ cao, vậy càng phải phối hợp tốt hơn với họ ở bước đầu tiên là ứng dụng công nghệ cao vào giao thương hàng hóa, để theo dõi đường đi của hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, ký kết hợp đồng chặt chẽ, có nguyên tắc trên cơ sở pháp luật, trên cơ sở hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đây là điều doanh nghiệp phải làm.
Xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Ông kỳ vọng các FTA mới như FTA với Israel sẽ đóng góp ra sao cho kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thời gian tới?
Xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua đã giảm 12%, do đó mở thêm thị trường ngách, thị trường mới là rất quan trọng. Do đó, nếu chúng ta ký kết nhanh và triển khai thực hiện nhanh thì sẽ đem lại triển vọng xuất nhập khẩu rất lớn cho thời điểm quý 4 và những năm tiếp theo.
Cũng phải khẳng định lại là Israel là thị trường không lớn, song ông bà ta có câu "năng nhặt chặt bị". Do đó, bên cạnh củng cố thị trường cũ, việc mở thêm các thị trường mới sẽ góp phần quan trọng cho việc tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Được biết, không chỉ Israel mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán 2 Hiệp định thương mại tự do song phương và 1 hiệp định đa phương khác. Tôi tin rằng, Bộ Công Thương và các cơ quan tham mưu sẽ làm tốt vấn đề này để mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt, đảm bảo mục tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa đã đề ra từ đầu năm.
Thêm nữa, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư là 3 yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng. Do đó, việc mở rộng thị trường sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp lớn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!