Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Tới dự Vòng Chung kết Cuộc thi, có lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và gần 1.000 sinh viên của các trường đến tham dự và cổ vũ cho cuộc thi.
Tham gia tranh tài tại Vòng Chung kết Cuộc thi “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử” năm 2023 là 5 đội thi xuất sắc đến từ các trường: Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế - Luật - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng; Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh.
Trước khi đi đến Vòng Chung kết, Cuộc thi đã thu hút gần 10.000 lượt sinh viên, học viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia tranh tài ở các vòng: Sơ khảo với hình thức thi trực tuyến và Vòng Tuyển chọn với hình thức xây dựng video clip tuyên truyền thông điệp về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng phát biểu chào mừng Vòng Chung kết Cuộc thi “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử” năm 2023. |
Phát biểu chào mừng Vòng Chung kết, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Lê Triệu Dũng cho biết: Ngày 13/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-BCT phê duyệt Đề án phát triển hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Đồng thời, trước thực tiễn khoa học công nghệ ngày càng phát triển, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển đổi hình thức từ giao dịch truyền thống sang giao dịch trực tuyến, việc tuyên truyền phổ biến và đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào thực tiễn cuộc sống là vô cùng quan trọng. Trong đó, học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng người tiêu dùng trẻ, cũng là đối tượng tiêu dùng chính hiện nay và trong tương lai, cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng để phục vụ cho các hoạt động tiêu dùng nói chung và trong các giao dịch thương mại điện tử nói riêng.
Để triển khai Đề án nêu trên và đáp ứng yêu cầu mới, Bộ Công Thương đã giao Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp Tạp chí Công Thương tổ chức Cuộc thi “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử” năm 2023 với đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên.
“Cuộc thi nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong các hoạt động thương mại điện tử cho đối tượng người tiêu dùng trẻ, trong đó, trọng tâm là thanh niên, học sinh, sinh viên trong các tổ chức thanh niên, cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước”, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.
Sân chơi cho người tiêu dùng trẻ
Tại Vòng chung kết, 5 đội thi cùng tham gia trực tiếp thể hiện hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử trước Ban Giám khảo và khán giả thông qua 3 phần thi: Tài năng - Người tiêu dùng Gen Z; Tăng tốc - Kiến thức; Đối mặt - Xử lý tình huống.
Điểm nhấn của Vòng chung kết và là phần thi có tỷ lệ điểm lớn nhất là Phần thi 3: Đối mặt - Xử lý tình huống. Các đội đã thể hiện tài năng và sự hiểu biết về kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử:
Với chủ đề “Vay tiêu dùng trực tuyến”, tiểu phẩm của Đội thi Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh mang đến tình huống vay vốn trực tuyến để khởi nghiệp nhưng bị tăng lãi suất bất ngờ do chưa tìm hiểu kĩ thông tin, qua đó đưa ra bài học về việc nâng cao cảnh giác và trang bị kiến thức cần thiết trong vay tiêu dùng trực tuyến.
Đội thi Trường Đại học Kinh tế - Luật - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sử dụng tình huống liên quan đến “Thu thập và sử dụng thông tin của người dùng trong các giao dịch thương mại điện tử”, để truyền tải thông điệp về tự bảo vệ thông tin cá nhân và lên án các hành vi vi phạm pháp luật trong vấn đề này.
Tiểu phẩm của Đội thi Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tập trung vào vấn đề “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử” thông qua việc xử lý tình huống đổi trả sản phẩm không đúng với mô tả ban đầu của một cặp ban thân đam mê mua sắm trực tuyến.
Trước một chủ đề mới mẻ hơn là “Trách nhiệm của bên thứ ba trong các giao dịch trên nền tảng số”, Đội thi Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng lựa chọn đưa ra tình huống “dở khóc dở cười” của một thanh niên mua nhầm sản phẩm kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử để tặng cho gia đình người yêu.
Tình huống trong tiểu phẩm của Đội thi Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh là vấn đề “Bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử”. Theo đó, đây là trách nhiệm quan trọng của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cũng cần chủ động, có ý thức tham gia tự bảo vệ và liên hệ, phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo, mạo danh.
Thông qua các phần thi, Cuộc thi đã tạo nên một sân chơi cho người tiêu dùng trẻ nhằm đổi mới và tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và thương mại điện tử trong thời đại công nghệ 4.0; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp cận đến đối tượng trẻ và đi vào thực tiễn cuộc sống của người tiêu dùng; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của công chúng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng trẻ - đối tượng tiêu dùng chính hiện nay và trong tương lai. Khuyến khích, khơi dậy những tiềm năng và khát vọng của những người tiêu dùng trẻ trong việc đóng góp vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh, tiêu dùng thương mại điện tử lành mạnh và bền vững ở Việt Nam.
Cuộc thi cũng góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua đó, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong xã hội.
Đội thi Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất sắc giành Giải Nhất |
Giải Nhì thuộc về đội thi Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh |
Chung cuộc, Đội thi Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất sắc giành Giải Nhất; Giải Nhì thuộc về đội thi Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh; đồng Giải Ba thuộc về Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng; Giải Khuyến khích thuộc về Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Cuộc thi “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử” gồm 3 vòng thi được triển khai từ ngày 15/11/2023 cụ thể: - Vòng Sơ khảo - “Tìm hiểu kiến thức”: Được tổ chức theo hình thức trực tuyến dành cho các cá nhân là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng học viện trên cả nước, tham gia dự thi thông qua các thiết bị điện tử. - Vòng Tuyển chọn - “Tài năng” được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dành cho các đội thi của các trường đại học, cao đẳng tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. - Vòng Chung kết mang tên “Chinh phục” được tổ chức theo hình thức thi trực tiếp dành cho 3-5 đội thi có điểm thi cao nhất tại Vòng tuyển chọn. |