Thông tin tại tọa đàm “Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử” do Báo Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức mới đây, bà Lê Thị Việt Hà, Phó Trưởng phòng, Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 57 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 288 USD/năm. Dự kiến cả năm 2023, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 7,9%, ước đạt 20,2 tỷ USD.
Tọa đàm “Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử” |
Bà Hà cũng thông tin, theo đánh giá của Google và Temasek, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế internet đứng thứ 3 chỉ sau Indonesia, Thái Lan. Dự báo kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 30%/năm, quy mô ước đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.
Thương mại điện tử trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh phân phối phổ biến và hiện đại. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng là kẽ hở cho tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, trong năm 2022, Cục đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài các hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và tình trạng này ngày càng trở nên tinh vi, khó lường.
Bà Hà nêu ví dụ, thời gian gần đây nổi lên tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, chốt đơn hàng online cho các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada… để nhận tiền hoa hồng.
Tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, tăng uy tín cho doanh nghiệp trong thương mại điện tử |
Theo đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram,... tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada,… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Điều kiện bắt buộc là cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước và được cam kết sẽ nhận lại tiền gốc cùng chiết khấu hoa hồng. Tiếp đến, đối tượng lừa đảo gửi cho cộng tác viên đường link sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… và yêu cầu thực hiện các bước gồm: Xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền hàng và hoa hồng gửi vào tài khoản ngân hàng.
Từ những đơn hàng có giá trị thấp, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cộng tác viên “chốt đơn” hàng có giá trị cao dẫn đến không còn khả năng chuyển tiền. Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy lý do công ty đang bảo trì hệ thống hoặc các lý do khác để từ chối không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng cho cộng tác viên, đồng thời yêu cầu họ tiếp tục công việc. Với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên nhiều người liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chuyển tiếp mới nhận ra đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên cân nhắc, tìm hiểu rõ thông tin hàng hóa, địa chỉ cửa hàng, công ty trước khi quyết định giao dịch online hoặc tham gia các nhóm tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, kịp thời ngăn chặn và xử lý”, bà Hà khuyến nghị.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ Công Thương, Bộ Quy tắc Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử do Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia xây dựng sẽ giúp các sàn thương mại điện tử tự đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của mình về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó hoàn thiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy kinh doanh trên thương mại điện tử bền vững và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cũng giúp người tiêu dùng đánh giá và lựa chọn các sàn, website thương mại điện tử hay nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ được đầy đủ và an tâm hơn khi mua sắm, góp phần tạo dựng nền tảng văn hoá kinh doanh trực tuyến, từ đó mang lại giá trị tốt hơn cho cộng đồng và xã hội.