Doanh nghiệp bảo hiểm: Đầu tư vào công nghệ để bứt phá Doanh nghiệp bảo hiểm: “Trực chiến” hỗ trợ khách hàng |
Đại biểu Lã Thanh Tân - đoàn Hải Phòng cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi.
Tuy nhiên, để góp phần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật, đại biểu đoàn Hải Phòng cho rằng, về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại điều 5 của dự thảo Luật, dự thảo đã quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển của thị trường bảo hiểm, tuy nhiên chưa có những giải pháp cụ thể, vì vậy đề nghị xem xét, bổ sung.
Đại biểu Lê Minh Nam - đoàn tỉnh Hậu Giang phát biểu thảo luận tại hội trường |
Bên cạnh đó, ông Lã Thanh Tân cũng đề nghị bổ sung quy định về chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, để tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm và chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
“Do đặc trưng của bảo hiểm là khả năng huy động và luôn có sẵn nguồn vốn lớn, do đó, nhà nước có thể sử dụng bảo hiểm như một công cụ để điều tiết nền kinh tế vĩ mô, vì vậy, cần có ưu đãi khi doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư cho nhà nước” - ông Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Ông Lã Thanh Tân cũng đề nghị rà soát để quy định về loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm cho tương đồng với quy định tại Luật Doanh nghiệp. Bởi lẽ dự thảo hiện thành, không có loại hình công ty hợp danh, không có tổ chức theo mô hình chủ tịch công ty.
Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến quy định về đại lý môi giới bảo hiểm để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi. Cụ thể, khoản 8, điều 4 dự thảo luật đưa ra khái niệm về tư vấn và về mặt nguyên tắc đây sẽ là cách hiểu chung cho tất cả các thuật ngữ tư vấn được sử dụng xuyên suốt của dự thảo luật, bao gồm cả tư vấn trong hoạt động đại lý bảo hiểm tại; tư vấn trong môi giới bảo hiểm; tư vấn trong phụ trợ bảo hiểm.
“Tuy nhiên, tôi nhận thấy khái niệm tư vấn trong từng loại hình có sự khác nhau về phạm vi, nội hàm, đối tượng thực hiện hoạt động tư vấn và đối tượng được tư vấn” - ông Lã Thanh Tân nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam - đoàn Hậu Giang cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có nội dung chuyên sâu, với những quy định mang tính đặc thù ngành, vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các quy định, hạn chế những khó khăn có thể xảy ra trong thực tiễn áp dụng.
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. “Tuy nhiên, cần làm rõ đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích” - đại biểu nêu quan điểm.
Đối với chính sách tạo điều kiện cho việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đại biểu cho rằng đây là quy định đúng đắn, giúp giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn.
"Vì mục tiêu an sinh xã hội, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, việc Nhà nước quan tâm, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội là rất cần thiết" - đại biểu đoàn Hậu Giang cho hay.
Về hợp đồng bảo hiểm, đại biểu cho rằng, cần xem xét thống nhất các thuật ngữ sử dụng khi ban hành quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.