Giải pháp nào phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững? Chuyên gia kinh tế nói về các bước đi để trả vàng về với thị trường Thời của vàng nhẫn và câu chuyện quản lý thị trường vàng |
Theo đó, văn bản này truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi cuối tháng 2 về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.
Cùng với đó là việc giám sát, thanh kiểm tra với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Mục tiêu nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.
Chính phủ thúc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thanh tra, kiểm soát thị trường vàng |
Gần đây nhất, Thủ tướng chỉ đạo về thị trường vàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Việc này Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước từ hồi tháng 12/2023 khi thị trường vàng liên tục "nhảy múa", biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và tâm lý xã hội.
Với quan điểm dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, thị trường vàng đã có những ổn định hơn, song diễn biến giá vẫn liên tục biến động. Mới đây, giá vàng đã vượt đỉnh lịch sử, gồm cả vàng nhẫn, vàng trang sức, trong khi giá vàng miếng SJC lên tới gần 82 triệu đồng/lượng, sau đó hạ nhiệt.
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng giảm, được cho là do tác động của diễn biến giá vàng thế giới khi chịu ảnh hưởng tâm lý chờ đợi động thái của các ngân hàng trung ương và Cục Dự trữ liên bang Mỹ về lãi suất và dự báo kinh tế.
Cuối ngày 18/3, giá vàng miếng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 79,4 - 81,42 triệu đồng/lượng (mua - bán). Giá vàng nhẫn SJC cũng hạ nhiệt, được mua - bán cuối phiên ở mức 67,25 - 68,45 triệu đồng/lượng.