Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe |
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng, để đưa ra các phương án sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo ông, thời điểm này, đâu là những nội dung cần quan tâm?
Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời trong bối cảnh thị trường vàng khá lộn xộn, phức tạp, cần sắp xếp, quản lý lại. Nhưng cần làm rõ, trên thế giới, không có một ngân hàng trung ương nào quản lý thị trường vàng cả.
Ngân hàng Trung ương chỉ quản lý vàng ngoại hối – nghĩa là vàng dưới dạng ngoại hối, tức là vàng dự trữ của quốc gia, vàng xuất nhập khẩu qua biên giới dưới dạng tiền tệ do những tác động đến chính sách tiền tệ, tỷ giá. Còn vàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra vàng hàng hóa thì là hàng hóa và được cấp phép để xuất – nhập khẩu, không cần sự quản lý của Ngân hàng Trung ương.
Khi Nghị định 24/NĐ-CP ra đời, tôi đã từng đề nghị sau khi bình ổn thị trường vàng, tốt nhất là là trả lại thị trường vàng là thị trường hàng hóa, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương và không cần duy trì độc quyền nhà nước trong thị trường vàng. Độc quyền dễ dẫn đến thổi giá và lợi ích chỉ dành cho một nhóm độc quyền, không tốt cho sự vận hành của thị trường. Mặt khác, tình trạng này càng tạo thêm tâm lý tích trữ vàng trong dân vì thấy giá vàng cứ giữ ở đỉnh cao, để hưởng chênh lệch tại trường Việt Nam.
Khi đã xác định vàng là một cái loại hàng hóa, mặc dù đó là hàng hóa đặc biệt thì tốt nhất là đảm bảo các điều kiện để trở thành một thị trường có sự liên thông với thị trường thế giới. Nói cách khác là Việt Nam cần phải có những sàn vàng. Có thể là trước mắt, do là hoạt động còn mới, nên có thể thực hiện thí điểm một cho đến hai sàn vàng, để trên cơ sở đó xây dựng khung khổ pháp lý, hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn cho các thành viên tham gia. Ví dụ, các quy định về ký quỹ, điều kiện tham gia cho các nhà đầu tư và các quy định về giao dịch.
Khi giải quyết được câu chuyện không còn độc quyền vàng và có cái sự liên thông với thị trường quốc tế thông qua các sàn giao dịch là các điều kiện để đưa thị trường vàng Việt Nam quay về trạng thái bình thường, tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới và chảy máu ngoại tệ sẽ được hạn chế rất lớn. Thực trạng vàng nhập lậu thời gian qua cho thấy rõ điều này.
Vì vậy, quan điểm của tôi là phải sửa triệt để Nghị định 24, để đưa thị trường vàng vận hành bình thường. Vai trò lịch sử của Nghị định 24 đã kết thúc.
Đưa thị trường vàng trở về trạng thái bình thường đang nhận được sự ủng hộ lớn và cũng đang có những bước đi từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bước đi thế nào để tránh những tác động tiêu cực đến thị trường đặc biệt này, thưa ông?
Đầu tiên là xóa thương hiệu độc quyền nhà nước với SJC. Bước hai là thí điểm sàn vàng thông quốc tế. Bước ba là hoàn thiện toàn bộ hành lang pháp lý cho giao dịch vàng của thị trường vàng, cụ thể là giao dịch của các sàn vàng sau giai đoạn thí điểm.
Và bước cuối cùng, theo quan điểm của tôi, là toàn bộ quản lý giao dịch của thị trường vàng là trả về đúng khái niệm hàng hóa và để Bộ Công thương quản lý.
Ngân hàng Trung ương quay trở về với sứ mạng của mình, đó là chỉ quản lý vàng dưới dạng ngoại hối để bảo đảm tập trung cho mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thưa ông, mặc dù đồng thuận với việc xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về những tác động có thể là tiêu cực tới những nhà đầu tư…
Đã là nhà đầu tư thì họ xác định có thể có lời và cũng có thể lỗ. Giai đoạn trước, nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời thì thị trường vàng, thì nếu có những biến động, họ cũng sẽ phải cân nhắc để có phương án đầu tư phù hợp.
Cũng giống như thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư ôm hàng trong giai đoạn sốt đất có thể phải chịu thua lỗ khi thị trường đo xuống. Đó là quy luật của thị trường và các nhà đầu tư đều đã xác định rủi ro để có chiến lược phù hợp.
Điều quan trọng, quan điểm của tôi là quản lý nhà nước phải đảm bảo được khung khổ, điều kiện để thị trường hoạt động đúng nguyên tắc thị trường đó mới là bình đẳng, chứ không thể hành chính hóa thị trường, kế hoạch hóa thị trường được. Càng kéo dài hành chính hóa, thị trường sẽ càng phức tạp, như tình trạng để SJC độc quyền quá lâu, khiến giá cao hơn loại vàng miếng khác cả chục triệu đồng/lượng, làm méo mó thị trường khi tạo nên cầu giả, thúc đẩy đầu cơ…