Ngày 26/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022. Cùng chủ trì phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 (ảnh VGP) |
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị; dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương chuẩn bị; đề nghị xây dựng Luật Dân số do Bộ Y tế chuẩn bị; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; dự án Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị.
Các đại biểu đã nghe dự thảo tờ trình; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; báo cáo thẩm tra, thẩm định, thảo luận sôi nổi về các dự án luật, nghị quyết của Chính phủ, đề nghị xây dựng các luật. Các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan đã thảo luận, làm rõ thêm sự cần thiết xây dựng các luật, nghị quyết; những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày dự thảo tờ trình dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (ảnh VGP) |
Tại buổi họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật, đề nghị xây dựng luật, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật, đề nghị xây dựng luật để Chính phủ trình Quốc hội vào thời gian phù hợp, bảo đảm tiến độ, yêu cầu, chất lượng.
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng nêu rõ phiên họp nhằm góp phần triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng pháp luật.
Thủ tướng hoan nghênh các bộ, cơ quan, nhất là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, lấy ý kiến đối tượng tác động, chuyên gia, các cơ quan, đơn vị liên quan, trình Thường trực Chính phủ, Chính phủ, nghiêm túc, cầu thị tiếp thu, giải trình; các ý kiến tại phiên họp chất lượng, trách nhiệm, sôi nổi, bám sát thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chuẩn bị tốt các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật thời gian tới. Cần coi trọng cả việc xây dựng luật mới, cả việc tổng kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, nhất là các quy định về đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Các bộ, ngành khẩn trương đề xuất xử lý các vấn đề vướng mắc, khoảng trống pháp lý trong thẩm quyền của Chính phủ và chủ động, khẩn trương ban hành văn bản xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời đề nghị các địa phương tích cực rà soát việc thực hiện các quy định trong thực tiễn.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 (ảnh VGP) |
Thủ tướng yêu cầu phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; bám sát, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023 đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng đã phân công; đẩy nhanh việc soạn thảo, trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, khắc phục triệt để tình trạng xin lùi, xin rút.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo dõi sát tiến độ xây dựng văn bản; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy tiến độ, chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Trong quá trình điều hành thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, thực hiện nghiêm Nghị định số 39/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ vừa được ban hành.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trong trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế ở các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra.
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng các quy định cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng lưu ý trong quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ để bảo đảm không trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ giữa các cơ quan, tránh khoảng trống pháp lý và tránh những xáo trộn không cần thiết; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tổ chức thực thi pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ hơn, kịp thời.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong hơn 10 năm thực thi vừa qua, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Trước thực tiễn trên, được chỉ đạo từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Chính phủ xem xét để chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 10/2022. |