Người Việt dùng hàng Việt: Phát huy sức mạnh nội lực Vận động người Việt dùng hàng Việt: Nâng cao vai trò của doanh nghiệp |
Thực hiện Hướng dẫn số 49-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 4/8/2022 Ban cán sự đảng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 08-KH/BCSĐ về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Mục tiêu hướng đến gồm:
Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động); khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa; xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp ngành Công Thương và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Thứ hai, thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên thuộc các tổ chức Đảng ngành Công Thương trong thực hiện Cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa.
Thứ ba, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách của ngành Công Thương thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì mục tiêu phát triển ngành Công Thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân nhằm khuyến khích và ưu tiên mua các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Kế hoạch số 08-KH/BCSĐ cũng chỉ ra 6 nội dung cần tập trung triển khai:
Một là, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động, nhất là các quan điểm nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới, Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động, kế hoạch của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Cuộc vận động, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương về thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhấn mạnh, làm rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Cuộc vận động trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Hai là, khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách, gắn với quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, ngành, địa phương. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình tiếp tục ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước đã sản xuất được và bảo đảm chất lượng.
Ba là, tuyên truyền phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động được nêu trong Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phản ánh các hoạt động, kết quả triển khai những nội dung nhiệm vụ tăng cường thực hiện Cuộc vận động của các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.
Bốn là, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; gắn với thực hiện phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Năm là, biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia Cuộc vận động, nhất là biểu dương những tập thể, cá nhân có sáng kiến trong cải tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giảm giá thành, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng; tôn vinh và nhân rộng các mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025; đồng thời phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Sáu là, đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao (tại Phụ lục-Bảng phân công thực hiện kế hoạch triển khai), Ban cán sự đảng Bộ Công Thương yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm tổ chức, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra theo từng năm. Năm 2022, các đơn vị triển khai các nội dung của Kế hoạch này thực hiện lồng ghép vào các chương trình đã được phê duyệt tại các Quyết định: Quyết định số 2872/QĐ-BCT ngày 21/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình năm 2022 thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 281/QĐ-BCT ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động năm 2022; Quyết định số 273/QĐ-BCT ngày 03 tháng 3 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc ban hành kế hoạch truyền thông năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các chương trình, đề án phù hợp khác.
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương cũng phân công Vụ Thị trường trong nước là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch này; là đầu mối tổng hợp, báo cáo Ban cán sự đảng và các cơ quan có thẩm quyền kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu./.