Bảo vệ môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế số, kinh nghiệm từ Canada Chống hành vi phản cạnh tranh, bài học từ vụ việc Google Doanh nghiệp logistics đầu tư mạnh, nâng cao sức cạnh tranh |
Lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự minh bạch và cạnh tranh công bằng trong kinh doanh
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, vào cuối tháng 9/2024, Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC) đã công bố Quyết định cáo buộc 81 doanh nghiệp tại Malaysia tham gia vào một hành vi vi phạm Luật cạnh tranh thông qua thỏa thuận ấn định giá sàn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch Umrah (hành hương Hồi giáo). Vụ việc này không chỉ gây xôn xao trong ngành du lịch mà còn tạo ra một cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng.
Theo thông tin từ MyCC, các doanh nghiệp bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc họp vào đầu năm 2023 dưới sự tổ chức của một hiệp hội đăng ký tại Malaysia. Trong các cuộc họp này, các bên liên quan được cho là đã thống nhất về mức giá sàn cho các gói dịch vụ Umrah hạng phổ thông và cao cấp. Sau khi thống nhất, hiệp hội này đã công khai giá sàn này đến người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
![]() |
Ngành du lịch Umrah đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia và phục vụ hàng nghìn người Hồi giáo thực hiện nghĩa vụ tôn giáo mỗi năm. Ảnh: Al Jazeera |
Một điểm đáng chú ý là trong số 81 doanh nghiệp bị cáo buộc, có tới 10 doanh nghiệp không được cấp phép cung cấp dịch vụ Umrah. Tuy nhiên, họ vẫn tham gia vào thỏa thuận này, điều này làm tăng tính phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc. Theo Luật Cạnh tranh 2010 của Malaysia (Đạo luật 712), việc tham gia thỏa thuận định giá giữa các doanh nghiệp được xem là hành vi hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng và có thể dẫn đến các hình phạt nghiêm khắc.
Tại Quyết định Đề xuất (Proposed Decision - một bước trong quy trình xử lý các vụ việc liên quan đến cạnh tranh) của MyCC, các doanh nghiệp bị cáo buộc sẽ có 30 ngày để nộp các giải trình bằng văn bản, phản hồi các cáo buộc từ cơ quan này. Đồng thời, họ cũng có quyền yêu cầu được trình bày trước Ủy ban trong một phiên điều trần sẽ được tổ chức sau đó.
Theo MyCC, với vai trò là một cơ quan bán tư pháp, cơ quan này sẽ xem xét các giải trình, bằng chứng được cung cấp bởi các doanh nghiệp liên quan và các tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra. Quyết định cuối cùng sẽ được ban hành dựa trên toàn bộ thông tin và bằng chứng đã được xác minh. “Nếu bị xác định vi phạm, các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các hình phạt nghiêm trọng, bao gồm tiền phạt lên đến 10% doanh thu hàng năm trong thời gian hành vi vi phạm diễn ra” - MyCC cho hay.
Chia sẻ về vụ việc, ông Dato’ Seri Mohd Hishamudin Yunus - Chủ tịch MyCC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Ông cho rằng, việc tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động một cách công bằng. Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp liên quan hợp tác đầy đủ và cung cấp các thông tin cần thiết trong quá trình xem xét.
Trong khi đó, hiệp hội tổ chức các cuộc họp định giá đã bác bỏ các cáo buộc của MyCC. Đại diện của hiệp hội lập luận rằng, việc thống nhất giá sàn là nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các gói dịch vụ giá rẻ nhưng không đảm bảo chất lượng. Họ cũng cam kết sẽ hợp tác với MyCC và cung cấp đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng hành động của họ không vi phạm luật cạnh tranh.
Còn các doanh nghiệp bị cáo buộc cũng đã có những phản ứng khác nhau. Một số doanh nghiệp tỏ ra lo ngại về uy tín của mình trên thị trường, trong khi một số khác khẳng định rằng, họ chỉ tham gia vào cuộc họp mà không thực hiện các hành vi cụ thể vi phạm.
Theo Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam, vụ việc này đã tạo ra một làn sóng lo ngại trong ngành du lịch Umrah tại Malaysia. Bởi ngành này vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và phục vụ hàng nghìn người Hồi giáo thực hiện nghĩa vụ tôn giáo mỗi năm.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, việc bị cáo buộc tham gia vào một hành vi vi phạm luật cạnh tranh có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và hoạt động kinh doanh. Họ cũng lo ngại về các khoản phạt tài chính tiềm tàng, đặc biệt là trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Còn người tiêu dùng cũng không tránh khỏi lo ngại rằng vụ việc có thể khiến giá cả dịch vụ du lịch tăng lên hoặc chất lượng dịch vụ giảm sút nếu các doanh nghiệp bị phạt nặng và không còn đủ khả năng cạnh tranh. Một số khác bày tỏ hy vọng rằng vụ việc sẽ dẫn đến một môi trường minh bạch hơn và các gói dịch vụ được cung cấp với giá cả hợp lý.
“Vụ việc 81 doanh nghiệp bị cáo buộc tham gia thỏa thuận định giá trong lĩnh vực du lịch Umrah tại Malaysia là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự minh bạch và cạnh tranh công bằng trong kinh doanh. Quyết định cuối cùng của vụ việc sẽ không chỉ ảnh hưởng đến 81 doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa lớn đối với toàn bộ ngành du lịch và nền kinh tế Malaysia” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá.
Sáu lưu ý và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam
Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam cũng cho rằng, vụ việc 81 doanh nghiệp tại Malaysia bị cáo buộc tham gia thỏa thuận định giá trong ngành du lịch Umrah là một minh chứng điển hình cho những rủi ro pháp lý và hệ quả nghiêm trọng mà các hành vi phản cạnh tranh có thể gây ra. Đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Malaysia, nơi có khung pháp lý cạnh tranh chặt chẽ, việc hiểu và tuân thủ luật pháp là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và bền vững.
Theo đó, những lưu ý và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Malaysia được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đưa ra là:
Thứ nhất, hiểu rõ khung pháp luật cạnh tranh tại Malaysia. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về cạnh tranh tại Malaysia, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến hành vi phản cạnh tranh. “Nên tham vấn chuyên gia pháp lý địa phương để đảm bảo mọi hoạt động tuân thủ các quy định hiện hành” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị.
Thứ hai, tránh tham gia vào các thỏa thuận hoặc hiệp hội có dấu hiệu phản cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng khi tham gia các hiệp hội ngành nghề tại Malaysia. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của thỏa thuận ấn định giá hoặc các hành vi hạn chế cạnh tranh, cần lập tức từ chối và thông báo với cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, các cuộc họp hoặc thảo luận về chính sách giá cả cần được tiến hành độc lập, tránh bất kỳ sự đồng thuận nào với đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba, đảm bảo tính độc lập trong việc định giá và ra quyết định kinh doanh. Theo đó, mọi quyết định về giá cả, chiến lược tiếp thị hoặc phân phối sản phẩm phải dựa trên phân tích độc lập của doanh nghiệp; tránh chia sẻ thông tin nhạy cảm như chiến lược giá, dữ liệu khách hàng hoặc kế hoạch kinh doanh với các đối thủ trong ngành.
“Các thỏa thuận về giá, ngay cả khi không chính thức, cũng có thể bị coi là vi phạm luật cạnh tranh nếu có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp đã tham gia vào hành vi hạn chế thị trường” - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nhấn mạnh.
Thứ tư, đề cao trách nhiệm tuân thủ và quản trị rủi ro pháp lý. Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro để giám sát và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật tại Malaysia. Thành lập bộ phận pháp chế hoặc làm việc với cố vấn pháp lý chuyên trách để kiểm tra các giao dịch, thỏa thuận kinh doanh.
Thứ năm, tăng cường nhận thức và đào tạo về Luật cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo định kỳ cho nhân viên, đặc biệt là bộ phận kinh doanh và quản lý cấp cao, để nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật tại Malaysia. Đồng thời, áp dụng quy trình đánh giá rủi ro pháp lý trước khi tham gia các giao dịch kinh doanh hoặc liên minh chiến lược tại thị trường nước ngoài.
Thứ sáu, hợp tác với cơ quan chức năng khi cần thiết. Trong vụ việc 81 doanh nghiệp, MyCC đã cho phép các bên liên quan giải trình và cung cấp bằng chứng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng có thể giúp giảm nhẹ hậu quả.
“Trong trường hợp bị điều tra, doanh nghiệp cần hợp tác với cơ quan chức năng và cung cấp đầy đủ thông tin để chứng minh sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Lưu giữ hồ sơ chi tiết và minh bạch về các giao dịch kinh doanh để làm bằng chứng nếu cần” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Thị trường Malaysia là một môi trường kinh doanh năng động nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt với những quy định pháp luật cạnh tranh nghiêm ngặt. Qua vụ việc 81 doanh nghiệp bị cáo buộc tham gia định giá trong ngành du lịch Umrah là một bài học quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng hoạt động tại đây. Việc hiểu rõ luật pháp, đảm bảo minh bạch trong kinh doanh, và tuân thủ các quy định cạnh tranh không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý mà còn xây dựng uy tín và vị thế bền vững tại thị trường Malaysia. Thực hiện tốt các bài học trên sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả và cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế. |