Ngày 27/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Về vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, đây một vấn đề hết sức nan giải. Theo đó, phải đưa vào trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, nếu những đối tượng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội quá 3 tháng phải đến nhắc nhở ngay.
Trong thời gian qua, người lao động được hưởng bảo hiểm không biết doanh nghiệp có đóng hay không, chỉ khi nghỉ việc đến bảo hiểm xã hội lĩnh bảo hiểm, thì mới biết doanh nghiệp không đóng bảo hiểm.
"Tôi đề nghị đưa vào trách nhiệm của bảo hiểm xã hội phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và 3 tháng nhắc 1 lần đến những đối tượng này để kịp thời chấn chỉnh, đợi 1 năm 2 năm sau mới phát hiện chuyện đã xảy ra thì không nên" - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Vương Thị Hương - đoàn Hà Giang đề nghị Ban soạn thảo bên cạnh việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm và tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, dự thảo luật cần có quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.
Liên quan đến việc các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị cũng cần có quy định, chế độ công khai rộng rãi về thông tin, tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp này để người lao động có thể theo dõi cũng như có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động.
Đại biểu cũng đề xuất thông tin về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ngoài việc công khai cũng phải có cách để cho người lao động có thể tiếp cận, tra cứu nhanh chóng, từ đó người lao động có thể nhận biết được cũng như tạo ra được sự cạnh tranh trong thị trường lao động giữa các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ |
Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa - đoàn TP. Cần Thơ, về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 39, đề nghị bổ sung quy định: Cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm, dịch vụ việc làm về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định lựa chọn doanh nghiệp mà mình xin vào làm việc. "Quy định này cũng sẽ bảo đảm tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch để cho người lao động biết" - đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - đoàn Bình Định cho biết, biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37, 38, 39, 40 và đặc biệt tại Điều 41 về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật Bảo hiểm y tế về xử lý vi phạm, cơ quan tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý. Cụ thể khi chủ sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm y tế sau 30 ngày thì thẻ bảo hiểm y tế của người lao động tạm thời không có giá trị sử dụng. Điều này có thể hiểu vi phạm của người sử dụng lao động ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Mặc dù, thực tế tùy từng trường hợp thẻ bảo hiểm y tế của người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội can thiệp, tạo điều kiện để họ có quyền lợi trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đồng thời, xử lý hoặc có chế tài đối với doanh nghiệp đã vi phạm.